Giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Viễn thông sửa đổi ngày 22/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cần quản lý các dịch vụ viễn thông OTT ở mức tối thiểu nhưng xử phạt nghiêm minh.
Theo Bộ trưởng, đây là các dịch vụ nhắn tin loại giống như dịch vụ viễn thông cơ bản nhưng được cung cấp bởi công nghệ Internet. Người dùng dễ thay đổi nhà cung cấp do thủ tục đăng ký dịch vụ đơn giản, thị trường rất cạnh tranh vì nhiều nhà cung cấp. Do vậy, quản lý phải ít hơn, mềm hơn dịch vụ viễn thông truyền thống. Quản lý dịch vụ viễn thông chủ yếu là ở khía cạnh liên quan đến lợi ích công cộng.
“Quản lý ở mức tối thiểu nhưng xử phạt nghiêm minh, quản lý cơ bản dựa trên những gì mà nhà cung cấp dịch vụ có để tránh phát sinh thêm chi phí tuân thủ. Quản lý sẽ không phân biệt nhà cung cấp dịch vụ lớn hay nhỏ, thu tiền hay không thu tiền, trong nước hay ngoài nước vì quản lý ở mức tối thiểu thì không cần phân biệt”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị quy định các nhà cung cấp phải minh bạch thông tin đối với khách hàng về giá, điều kiện hợp đồng và chất lượng dịch vụ, bảo mật thông tin cũng như phối hợp với cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Ngược lại, việc xác thực đăng ký sử dụng cũng phải đảm bảo chặt chẽ, như khách hàng sử dụng dịch vụ phải có thông tin, số điện thoại.
Về trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây, Bộ trưởng cho rằng cũng phải được quản lý ở đâu đó để chính danh giải quyết các tranh chấp, các vấn đề phát sinh giữa doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng với khách hàng, để Nhà nước đảm bảo sự phát triển theo chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn và quy chuẩn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Đầu tư xác định trung tâm dữ liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng đến nay chưa có quy định chuyên ngành về điều kiện kinh doanh trung tâm dữ liệu đưa vào viễn thông để quản lý. Trong đó, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây cung cấp dịch vụ thông qua mạng viễn thông giống như dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng.
Ông Hùng phát biểu: “Bộ TT&TT sẽ đề xuất Chính phủ chỉnh lý quy định theo hướng quản lý mềm giống như nhiều quốc gia khác để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của loại hình hạ tầng và dịch vụ này, nhưng vẫn đảm bảo an toàn an ninh và bảo vệ quyền lợi người dùng. Trung tâm dữ liệu có tính hạ tầng phát triển phải phù hợp với quy hoạch nên cần đăng ký. Điện toán đám mây dịch vụ nên chỉ cần thông báo. Các thủ tục đăng ký, thông báo có thể làm trực tuyến dựa trên cam kết của doanh nghiệp mà không tiền kiểm. Về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ cho phép đến 100%. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều quản lý như nhau. Không bảo hộ ngược”.
Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Bộ trưởng cho rằng thực ra đây là quỹ dịch vụ phổ cập. Quốc gia nào cũng phải đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, phổ cập Internet, phủ sóng vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo, nhất là để phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nếu Nhà nước nhận lấy trách nhiệm phổ cập bằng ngân sách nhà nước, các nhà mạng có xu thế chỉ đầu tư ở những nơi đông dân và có lãi cao. Vì thế, Nhà nước phải đầu tư rất nhiều. Bởi vậy, đa số quốc gia đều chọn cách yêu cầu nhà mạng phải có trách nhiệm phổ cập.
“Có hai cách để nhà mạng thực hiện việc này, một là yêu cầu các nhà mạng phải phủ sóng rộng. Cách này có khó khăn cho các nhà mạng nhỏ. Hai là các nhà mạng đóng góp vào quỹ phổ cập theo doanh thu. Nhà mạng to đóng nhiều, nhỏ đóng ít. Sau đó, nhà nước dùng quỹ này để phổ cập dịch vụ. Đa số quốc gia đều theo cách thứ hai”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Tại Việt Nam, quỹ này cơ bản lại giao cho chính các nhà mạng thực hiện, tức là cơ bản nhà mạng nhận lại tiền đóng góp để thực hiện phổ cập dịch vụ từ 2G đến 3G, 4G, 5G.
Quỹ này giúp Việt Nam có vùng phủ sóng rộng, người dân được phổ cập dịch vụ, có điện thoại vào nhóm đầu trên thế giới. Tuy nhiên vừa qua vận hành của quỹ có một số bất cập như giải ngân chậm.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần phải điều chỉnh các quy định trong dự thảo luật theo hướng xác định rõ mục tiêu, cách thức thu, quản lý, sử dụng quỹ vận hành tốt hơn, thay vì dừng hoạt động của quỹ. “Quỹ còn hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo các thiết bị và đảm bảo chi phí sử dụng dịch vụ ở mức cơ bản. Các chương trình giảm nghèo của nhà nước đều dùng quỹ này”, ông Hùng nói.
Thời gian tới, Bộ TT&TT báo cáo Chính phủ, xin Quốc hội cho đổi tên từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích thành Quỹ Dịch vụ phổ cập, thay đổi một số cơ chế để khắc phục các tồn tại.