Từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình kinh tế thế giới bất ổn, lạm phát toàn cầu tăng cao, khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hoá, nông sản, thuỷ sản giảm sút. Kết quả, hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của nước ta giảm đến 29%, chỉ đạt 1,1 tỷ USD.
Lần đầu kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Mỹ giảm sâu
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản chính, chiếm 58,18% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong 2 tháng qua đều sụt giảm mạnh, gồm: Nhật Bản đạt 187 triệu USD, giảm 11%; Mỹ đạt 155 triệu USD, giảm 55%; Trung Quốc đạt 151 triệu USD, giảm 11%; Hàn Quốc 104 triệu USD, giảm 14%; Thái Lan đạt 44 triệu USD, giảm 15%.
Trong đó, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và cũng là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất 40%, trị giá 335 triệu USD; kế đến cá tra 240 triệu USD, giảm 38%; cá ngừ trị giá 109 triệu USD, giảm 30%; cua ghẹ và giáp xác khác giảm 46%...
Lý giải về sự tụt giảm trên, trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho hay, thị trường bây giờ rất khó vì có người bán mà không có người mua, do đó, khả năng xuất khẩu thủy sản trong tháng Ba sẽ còn rớt sâu hơn nữa.
Theo ông Hoè, qua trao đổi với các doanh nghiệp thuỷ sản được biết, bây giờ đã gần cuối tháng Ba mà đơn hàng tháng Tư vẫn chưa có, nếu như vậy thì làm sao có thể “cứu” kim ngạch xuất khẩu.
“Khó khăn nhưng không biết giải quyết thế nào, vì vấn đề không do nội tại mà do thị trường nhập khẩu và chúng ta không thể nào ép nhà nhập khẩu mua hàng. Hiện không ít doanh nghiệp cho rằng, với tình hình thị trường Mỹ như thế này, nếu vì nể nhau nhà nhập khẩu đưa đơn hàng với giá quá thấp hoặc kèm theo điều kiện giao hàng này nọ ... thì doanh nghiệp cũng không thể làm được. Không riêng gì thị trường Mỹ, phần lớn các thị trường xuất khẩu đều trong trạng thái rất chậm”, Tổng thư ký VASEP nói.
Doanh nghiệp thủy sản “ăn đong” từng đơn hàng
Chia sẻ quan điểm với Tổng thư ký VASEP, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước - một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lâu năm trong ngành cho biết, tình trạng phổ biến của hầu hết các doanh nghiệp thủy sản hiện nay là “đói” đơn hàng hoặc nếu có cũng không tìm được nguyên liệu để mua hoặc trong trường hợp có nguyên liệu nhưng không có người lao động, khiến ngành thủy sản gặp nhiều cái khó.
Theo ông Lĩnh, thông thường các năm trước đến thời điểm này các doanh nghiệp đã ký xong đơn hàng cho quý 4 nhưng bây giờ ký được container nào thì làm container đó.
“Tình cảnh của doanh nghiệp thủy sản bây giờ là ‘ăn đong’ từng container hàng, ngay cả người mua cũng vậy chứ không riêng gì cho người bán. Do chỉ có đơn hàng nhỏ lẻ nên đã có một số doanh nghiệp thủy sản đóng cửa nhà máy luân phiên", Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân doanh nghiệp không mua được nguyên liệu, ông Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước cho biết, do chi phí đầu vào nuôi thủy sản quá cao trong khi giá đầu ra thấp, người nông dân không chấp nhận được nên treo ao.
Mặt khác, giá xuất khẩu thủy sản vào các thị trường đều thấp do doanh nghiệp bán bằng đô la. Hơn nữa đồng Việt Nam đang mạnh lên so với đồng đô la nên doanh nghiệp xuất khẩu càng bị khó.
“Đồng bạc của một quốc gia xuất khẩu thường phải yếu mới tạo điều kiện cho xuất khẩu nhưng đồng Việt Nam đang mạnh lên góp phần gây khó cho xuất khẩu”, ông Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước nhận định.