Việc Chính phủ Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm dịch chống dịch COVID-19 và mở cửa biên giới với Việt Nam từ ngày 8/1 (trùng với thời điểm gần Tết Nguyên đán 2023) sẽ là những yếu tố cộng hưởng khiến sức tiêu thụ hàng hóa tại Trung Quốc tăng rất mạnh, phải tăng nhập khẩu. Dự báo xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ tăng trưởng ấn tượng ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023.
Bùng nổ xuất khẩu sang Trung Quốc
Rau quả, thuỷ sản... là những mặt hàng được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh ngay sau khi Trung Quốc mở cửa.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ở thị trường này, Việt Nam đang có nhiều mặt hàng lợi thế khi thành công khi đưa loại nhiều trái cây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, mới đây nhất là sầu riêng.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên nhận định Trung Quốc mở cửa biên giới sẽ giúp cho rau quả Việt Nam vận chuyển bằng đường bộ đi nhanh hơn, cước phí rẻ hơn. Đây là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với nhiều nước khác để cung ứng vào thị trường tỷ dân này.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng việc thị trường Trung Quốc mở cửa, biên giới được khôi phục thông quan trở lại và Việt Nam đã ký kết tham gia 15 hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả. Dự báo năm 2023 là năm "bùng nổ" xuất khẩu rau quả, nếu như xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD thì năm 2023 sẽ cán mốc 4 tỷ USD.
Việc mở cửa biên giới vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2023, thời điểm tiêu dùng thực phẩm tăng mạnh cũng là cơ hội để các sản phẩm thuỷ sản sống "ngược dòng" trong dịp đầu năm 2023 sau một thời gian ách tắc.
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trước đây do đóng cửa biên giới nên toàn bộ hàng thuỷ sản sống phải vận chuyển bằng đường bộ gần như không thể xuất sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng giá trị cao như cua, tôm hùm, tôm thẻ, tôm sú sống.
Bên cạnh đó, đối với thuỷ sản xuất khẩu qua đường biển thời gian qua cũng vì các chính sách kiểm dịch mà bị ách tắc. Theo đó, nếu lô hàng kiểm tra thấy có virus COVID-19 trên thành container, bao bì thì sẽ bị giữ 2 tuần để khử khuẩn và đình chỉ doanh nghiệp trong một thời gian nhất định. Chính sách này cũng vừa được phía Trung Quốc bãi bỏ.
Việc mở cửa biên giới Trung Quốc sẽ giúp các sản phẩm thuỷ sản sống tăng trưởng xuất khẩu trở lại. (Ảnh minh hoạ: Phạm Cường/TTXVN)
Do đó, ông Lê Bá Anh cho rằng việc mở cửa biên giới, bãi bỏ một số chính sách kiểm dịch sẽ rất thuận lợi cho việc xuất khẩu thuỷ sản trong thời gian tới. Việt Nam và Trung Quốc đã duy trì việc quản lý danh sách doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thuỷ sản, đến nay Trung Quốc đã công nhận 802 doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và Việt Nam cũng đã công nhận 780 doanh nghiệp thuỷ sản Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam.
Nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định Trung Quốc là thị trường tiềm năng với 1,4 tỷ dân, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu và vẫn còn nhiều dư địa. Vì vậy, Thủ tướng cũng đã rất quan tâm và chỉ đạo để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sang Trung Quốc.
Dẫn chứng về cơ hội tăng trưởng mạnh khi mở cửa được thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong năm 2022 khi quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, chỉ trong một tháng xuất khẩu sầu riêng sang nước này đã tăng 4.120%. Tới đây, nhờ vào việc ký kết các nghị định thư, mở cửa biên giới, nhiều sản phẩm được đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung Quốc là thị trường quan trọng với ngành nông nghiệp Việt Nam nên hai bên thường xuyên phối hợp các chính sách để thúc đẩy hợp tác. Cục Bảo vệ thực vật đã thường xuyên thiết lập kênh trao đổi với doanh nghiệp, nông dân, chính quyền địa phương để thông tin về các điều kiện xuất khẩu, các quy định mới của nghị định thư... để giúp doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất lượng trước khi nông sản được thông quan.
“Ngay khi có thông tin Trung Quốc sẽ dỡ bỏ kiểm dịch, mở cửa biên giới Cục Bảo vệ thực vật đã đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị ở các cửa khẩu sắp xếp nhân sự, tổ chức, bố trí nguồn lực tại các cửa khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc,” ông Đạt cho hay.
Đối với việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết thêm việc khai mở thị trường Trung Quốc đang triển khai hiệu quả. Trong đó với sản phẩm sữa đã có 9 nhà máy thuộc 7 công ty sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng 50%.
Gần đây nhất, sau khi ký Nghị định thư xuất khẩu tổ yến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và hiện đã có 5 doanh nghiệp gửi hồ sơ để xin hướng dẫn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh để năm 2023 có những lô hàng tổ yến đầu tiên xuất vào thị trường Trung Quốc.
Đối với sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Long cho biết Cục Thú y đã phối hợp cơ quan có thẩm quyền để xây dựng vùng an toàn dịch lở mồm long móng. Hai bộ ngành của hai nước sẽ ký kết chấp nhận vùng an toàn sản xuất chăn nuôi, tạo thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi (lợn, gia súc) sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang đàm phán để xuất khẩu thịt gà, sản phẩm chế biến… sang Trung Quốc.