Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả tháng 9/2022 đạt 251.920.880 USD, giảm 7,6% so với tháng trước đó, luỹ kế 9 tháng, xuất khẩu rau quả đạt 2.445.950.050 USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm gần 31%
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường chủ lực Trung Quốc trong tháng 9/2022 đạt 92,287 triệu USD, so với tháng trước đó giảm 2,21%. Cộng dồn 3 quý đầu năm, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,059 tỷ USD, giảm 30,54% so với cùng kỳ năm 2021, và chiếm 43,29%/ tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Nếu trong quý 1/2022, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm 53,64%/ tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, thì sang quý thứ 3 tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 43,29%.
Chính do kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sụt giảm, đã trực tiếp kéo giảm kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Mặc dù thời gian qua các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đã mở mới nhiều và tăng xuất khẩu vào nhiều thị trường khác trên toàn cầu, nhưng chưa thể lấp vào khoảng thiếu hụt ở thị trường Trung Quốc.
Trong khi kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trên đà đi xuống thì nhập khẩu rau quả từ thị trường này vào nội địa luôn tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể:
Tháng 9, nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam đạt 89,855 triệu USD, so với tháng trước đó tăng 5,13%. Luỹ kế 9 tháng nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc và thị trường Việt Nam đạt 561,937 triệu USD, tăng 77,06% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm sụt giảm mạnh là do kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh đã kéo tụt kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Nguyên nhân là do chính phủ nước này áp dụng chính sách zero COVID quá nghiêm ngặt, đặc biệt là công tác kiểm tra COVID-19 các xe vận chuyển hàng tại các cửa khẩu, khiến doanh nghiệp mất thời gian và tốn nhiều chi phí khử khuẩn trên các container và hàng hóa. Không chỉ có vậy, khi xe đầu kéo của Việt Nam đến biên giới phải đổi xe đầu kéo của phía Trung Quốc mới vào được sâu trong nước này.
Ví dụ, trước khi xảy ra dịch COVID-19 có thể thông quan từ 500 đến 600 xe hàng/ngày, nhưng bây giờ chỉ thông xe khoảng 200 xe/ngày. Chính vì mất quá nhiều thời gian thông quan nên lượng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị sụt giảm mạnh.
Yếu tố nào giúp xuất khẩu rau quả của Trung Quốc và thị trường Việt Nam tăng mạnh?
Trong khi xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc bị kiểm tra nghiêm ngặt dịch COVID, lẫn an toàn vệ sinh thực phẩm khiến cho rau quả của Việt Nam xuất sang thị trường này sụt giảm mạnh, thì ở chiều ngược lại, rau quả của Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tương đối dễ dàng hơn, vì rau quả của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam chỉ kiểm tra về mặt sâu bệnh, còn kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay các vấn đề khác thì hầu như không có.
Không chỉ vậy, hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam còn có lợi thế logictics, các thương nhân Trung Quốc tận dụng những xe chở hàng từ Việt Nam sang quay về, họ lại thuê những xe này chở hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam với chi phí chỉ bằng 30%.
“Hàng hóa từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam có hai lợi thế: Một là không kiểm tra COVID nên thông quan rất nhanh chóng.
Hai là phí vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng rất rẻ, hiện phí vận chuyển 1 kg cà rốt từ Đà Lạt ra tới Hà Nội đắt hơn là phí vận chuyển từ Trung Quốc vào đến thành phố Đà Lạt.
“Nhất là do phía Việt Nam không kiểm tra COVID nên lượng hàng hóa thông quan nhanh, đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng cao”, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định.
Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sẽ tăng vọt nếu …
Hiện có 11 loại trái cây của Việt Nam xuất chính ngạch sang Trung Quốc bao gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây và sầu riêng là những loại đứng ở tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu.
Sầu riêng là loại quả vừa được ký Nghị định thư xuất khẩu sang Trung QuốcTheo ông Nguyên, đối với các loại quả nào của Việt Nam có ký Nghị định thư với Trung Quốc khi xuất khẩu sang thị trường này tương đối dễ dàng, còn những loại quả nào chưa có ký Nghị định thư thì họ có quyền kiểm tra 100%.
“Tuy nhiên, thực tế mà nói rau quả của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc cũng chỉ kiểm tra chủ yếu là về mặt sâu bệnh, và kiểm COVID còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì họ cũng chỉ kiểm tra tương đối”, ông Nguyên nói.
Trong 3 quý đầu năm, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1,059 tỷ USD, giảm 30,54% so với cùng kỳ năm 2021, và chiếm 43,29%/ tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu rau quả vào thị trường này giảm sâu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2022.
“Tình hình này, có thể xuất khẩu rau quả năm nay sẽ giảm từ 10% - 15% so với năm ngoái (năm 2021 đạt 3,29 tỷ USD). Nếu các doanh nghiệp có phấn đấu lắm thì kim ngạch năm nay cũng chỉ có thể gần vào khoảng 3 tỷ - 3,2 tỷ USD. Nhưng nếu vào đầu tháng 11 hoặc giữa tháng 11 trở đi phía Trung Quốc bỏ chính sách zero COVID thì kim ngạch xuất khẩu rau quả sang nước này sẽ tăng vọt”, Tổng thư ký VINAFRUIT nhấn mạnh.