Việt Nam sẽ lỡ cơ hội hút khách quốc tế nếu chậm trễ chính sách visa

Nếu còn chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách visa, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút khách quốc tế và vô tình tạo điều kiện tốt mang đến lợi thế cạnh tranh cho những quốc gia khác trong khu vực. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới, cũng như trong khu vực.

Những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam đã mang lại thành tựu đáng ghi nhận. Cụ thể, trong năm 2022, hoạt động du lịch nội địa tăng trưởng vượt kỳ vọng, khi phục vụ 101,2 triệu lượt khách - cao hơn trước dịch.

Tuy vậy, Việt Nam chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế, cách khá xa so với chỉ tiêu đặt ra là 5 triệu lượt khách.

Hai tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế, nhưng chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra đại dịch.

Điều này cho thấy, thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi khá chậm, đòi hỏi cần nhanh chóng có những giải pháp tháo gỡ, nhất là với chính sách visa - điểm nghẽn được xác định đã tồn tại nhiều năm của du lịch Việt Nam.

Vì sao khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi chậm?

Tại Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" tổ chức mới đây, bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc khối Sun World, Tập đoàn Sun Group cho biết gần một năm sau khi mở cửa du lịch trở lại, đến nay lượng du khách tăng chưa như kỳ vọng, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Cụ thể, lượng khách đến Sun World Ba Na Hills tại Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán 2023 chỉ đạt khoảng 55% so với Tết Nguyên đán 2019.

“Ở các trung tâm du lịch khác như Phú Quốc, Hạ Long…, những tháng cuối năm 2022 kéo dài đến quý 1 năm nay là mùa cao điểm đón khách quốc tế nhưng lượng khách thực tế không nhiều”, bà Trần Nguyện quan ngại.

Theo trang VisaGuide World công bố cuối năm 2022, tỷ lệ phục hồi du lịch của Việt Nam chỉ 18,1%, trong khi các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều đạt tỷ lệ từ 26% đến 31%.

Theo đại diện Tập đoàn Sun Group, có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến Việt Nam chưa hút được nhiều khách quốc tế. Trong đó, rào cản lớn hiện nay là chính sách visa.

Việt Nam chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử (eVisa) cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần.

Trong khi đó Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore cho 162 quốc gia, Philippines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc miễn cho 66 quốc gia, Thái Lan miễn cho 64 quốc gia…

"Cần cởi mở chính sách visa và cùng với đó, nghiên cứu quy trình, áp dụng công nghệ để cải cách quá trình cấp visa giúp đẩy nhanh thời gian, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức cấp visa nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách quốc tế", bà Trần Nguyện nêu.

Nếu tiếp tục chậm trễ… sẽ đánh mất cơ hội?

Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Tổ chức Du lịch thế giới dự báo năm 2023, tốc độ hồi phục du lịch sẽ đạt 8,5% dù tốc độ phục hồi chung của nền kinh tế chỉ đạt 2,5%.

Để tạo ra lợi thế cạnh tranh điểm đến, hàng loạt quốc gia đã chủ động tạo đòn bẩy từ chính sách thị thực.

Trong đó, Thái Lan kéo dài thời gian lưu trú từ 30 ngày lên 45 ngày đối với khách du lịch từ các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn thị thực và từ 15 ngày lên 30 ngày đối với khách du lịch đủ điều kiện nhận thị thực khi đến.

Đài Loan (Trung Quốc) lập tức áp dụng trở lại chính sách eVisa Quan Hồng hướng đến khách đi tour, đi theo đoàn qua các công ty lữ hành với thủ tục đơn giản, nhanh chóng.

Hàn Quốc nhanh chóng nối lại loại hình thị thực cho phép khách ra vào nhiều lần, thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm.

“Chính sách thị thực là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên sức hút của điểm đến. Độ mở của visa cũng là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch, lữ hành tại điểm đến, từ đó thu hút khách quốc tế” ông Long nêu rõ.

Trong thời gian qua, chính sách visa của Việt Nam vẫn "giậm chân tại chỗ”, nên đã đánh mất lượng khách quốc tế luôn có tâm lý ngần ngại với những thủ tục xin visa phức tạp, rườm rà. Còn nhiều đối tượng khách từ thị trường xa muốn lưu lại Việt Nam dài ngày buộc phải cắt ngắn lịch trình hoặc thay đổi điểm đến vì thời gian miễn thị thực của Việt Nam chỉ được 15 ngày…

“Nếu còn chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách visa, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút khách quốc tế và vô tình tạo điều kiện tốt mang đến lợi thế cạnh tranh cho những quốc gia khác trong khu vực”, ông Long quan ngại.

Còn theo ông Mario Mendis, Chủ tịch Tiểu ban Du lịch, Nhà hàng, Khách sạn, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCharm), trong tất cả các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) thì chỉ có công dân Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha và Thụy Điển được phép vào Việt Nam mà không cần phải xin thị thực du lịch với thời gian lưu trú 15 ngày.

Tuy vậy, rất nhiều du khách châu Âu muốn du lịch ở từ 30-90 ngày, nhất là người hưu trí. Song thực tế, có quá ít chính sách visa để lựa chọn trong khi thời gian miễn giảm thị thực 15 ngày, ngắn hơn nhiều so với nhiều nước ASEAN, thường 30 ngày trở lên.

Tất cả những điều này không hấp dẫn du khách từ châu Âu, bởi các chuyến bay từ châu Âu trung bình cần 12 giờ và thường là qua đêm, thành ra thời gian miễn thị thực tại Việt Nam của khách châu Âu chỉ còn 13 ngày.

“Nếu chính sách visa của Việt Nam vẫn cứng nhắc như hiện nay thì đầu tiên, tốc độ hồi phục của ngành du lịch, khách sạn sẽ bị kéo chậm lại so với các nước. Điều đó có nghĩa chúng ta mất nguồn thu, công ăn việc làm cũng như giảm đi cơ hội để du lịch Việt Nam bứt phá sau dịch COVID-19 so với những điểm đến cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan, Bali (Indonesia) hay Singapore” ông Mario Mendis quan ngại.

Mục tiêu cần đi kèm hành động

Trong Sách Trắng 2023 vừa được công bố, Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng nêu quan điểm cho rằng chính sách hiện tại của Việt Nam yêu cầu phải có thị thực trước khi khởi hành/thị thực nhập cảnh/thị thực điện tử là nghiêm ngặt, cùng với thời gian và chi phí phát sinh từ thủ tục này, đang cản trở khách du lịch tự túc từ châu Âu, vốn là tệp khách hàng chi tiêu cao.

“Tôi cho rằng Việt Nam nên nghiên cứu các chính sách du lịch của Thái Lan, nơi có gần 40 triệu lượt khách du lịch quốc tế trước Covid-19 và hiện đang nhắm mục tiêu hơn 30 triệu vào năm 2023. Hiện Thái Lan có cách tiếp cận cởi mở về thị thực đối với hơn 100 quốc gia. Điều này giúp mang lại lợi ích to lớn cho ngành du lịch Thái Lan” ông Mario Mendis nhìn nhận.

Vì thế, EuroCham đưa ra 4 khuyến nghị cho Việt Nam, gồm: Mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và kéo dài thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày; Kéo dài thời hạn chương trình miễn thị thực được công bố với thời hạn chương trình miễn thị thực mới trong 5 năm; Cấp thị thực du lịch 3 tháng cho những du khách châu Âu muốn thực hiện các kỳ nghỉ dài ngày để thu hút thị trường cao cấp với mức chi tiêu cao; Miễn thị thực lưu trú ngắn hạn trong một số tình huống nhất định, đặc biệt là để hỗ trợ các diễn đàn, triển lãm và sự kiện thể thao.

Còn theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Trung Quốc bắt đầu dần mở cửa du lịch, nếu nhanh chóng chớp cơ hội thu hút thị trường này, cộng với một số thị trường lớn khác như Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ..., con số mục tiêu hoàn toàn có khả năng đạt được, nhưng mục tiêu cần đi kèm hành động.

“Cơ quan chức năng cần gắn kết, trao đổi với nhau để tạo ra sự hài hòa trong quá trình làm thủ tục. Hãy làm nhanh nhất các thủ tục vì khách có thể thay đổi ý kiến ngay lập tức khi xung quanh mời chào dễ dàng, mạnh mẽ, mà chúng ta còn chậm chạp trong việc làm thủ tục thì chắc chắn sẽ tiếp tục bỏ lỡ cơ hội”, ông Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, câu chuyện xúc tiến, quảng bá du lịch, liên kết giữa các địa phương để tạo nên hệ thống sản phẩm mới, hấp dẫn là những vấn đề phải đẩy mạnh để tạo sức bật cho du lịch Việt Nam.

Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phối hợp cùng ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong công tác xúc tiến, quảng bá để ngành kinh tế xanh mau chóng phục hồi.

Ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển", nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch sau một năm mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới".

Hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp... sẽ thảo luận những hạn chế, điểm nghẽn và giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp du lịch Việt Nam sớm phục hồi, phát triển một cách bền vững.

Kết quả Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 sẽ là cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng tốc phát triển du lịch bền vững trong điều kiện bình thường mới.

Theo Thời đại

Đọc tiếp

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Khu công nghiệp - ảnh minh họa

Tây Ninh sắp có thêm khu công nghiệp quy mô gần 500 ha

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Chat với BizLIVE