Theo tính toán, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với GDP tăng thêm 0,06%. Chính vì vậy, trong bối cảnh nhiều động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trên đà suy giảm, đầu tư công được kỳ vọng là động lực rất lớn cho phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Nhưng, dự kiến giải ngân đầu tư công năm nay vẫn thấp sâu so với chỉ tiêu kế hoạch. Ngoài các nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công như giá cả nguyên vật liệu tăng cao, tình hình thời tiết..., một trong những nguyên nhân chủ quan là có tâm lý sợ làm sai. Khi sợ làm sai bao giờ cũng phải xin ý kiến nhiều nơi, nhiều lần... khiến thời gian thực hiện kéo dài.
Vậy, chuyển tiếp sang năm 2023, khi nhiều động lực trên đà suy giảm, có nên kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ thực sự trở thành động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế?
CÓ SỰ QUYẾT LIỆT...
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong năm 2022, do tác động của nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina kéo dài và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu khiến nhiều động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI bị suy giảm.
Trong bối cảnh đó, đầu tư công được kỳ vọng là động lực rất lớn cho phục hồi tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)“Các Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”, ông Cung dẫn lại.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục có các buổi làm việc với các bộ ngành và địa phương và ban hành nhiều chỉ thị và công điện thúc đẩy yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
“Cần tập trung, phấn đấu cao nhất để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao”, ông Cung nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra.
Với chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, trong thời gian vừa qua, giải ngân vốn đầu tư công tại các cơ quan nhà nước đã được thay đổi tích cực.
Bộ Tài chính liên tục có đề nghị Kho bạc Nhà nước thực hiện giải ngân vốn nhanh nhất khi có khối lượng công việc xác nhận hoàn thành và có chứng từ thủ tục đầy đủ và thậm chí bên Kho bạc Nhà nước giải ngân theo hình thức điện tử nhanh chóng và có hậu kiểm.
Đặc biệt, dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công của ngành giao thông luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh cần phải tiếp tục tăng tốc giải ngân.
“Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và có các biện pháp xử lý, điều chuyển hoặc thay thế các nhà thầu yếu, xử lý đối với nhà thầu không tiếp tục thực hiện hợp đồng theo quy định; theo dõi, đánh giá và báo cáo bộ các nhà thầu hạn chế năng lực, không hoàn thành khối lượng theo hợp đồng”, ông Thịnh đánh giá cao quyết tâm của người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chínhVÌ SAO VẪN CHẬM?
Theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%).
Lý giải về sự chậm trễ này, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, từ tháng 2 đến tháng 7, giá nguyên nhiên vật liệu tăng 40% nhưng các chính quyền địa phương - những người được xem xét tính toán định mức xây dựng lại không thay đổi kịp thời. Vì vậy, các chủ đầu tư không kịp thay đổi dự án trong khi nếu thi công với giá cũ thì chủ đầu tư cũng chịu được nên phải dừng lại
“Thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công, dẫn đến nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công”, ông Thịnh nêu rõ.
Nhìn nhận về những khó khăn của các nhà thầu, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, từ đầu năm đến tháng 8, tỷ lệ giải ngân đầu tư công luôn ở mức thấp. Tuy nhiên, từ tháng 9, 10 và 11, con số này đã liên tục tăng đáng kể lần lượt là 36%, 46% và 52%
Theo bà Thảo, để có kết quả này bên cạnh sự nỗ lực của mình, các chủ đầu tư hay chủ dự án cũng chịu áp lực rất lớn khi tham gia vào các dự án đầu tư công.
“Có nhiều chủ đầu tư chia sẻ, họ trúng thầu rồi và giờ không muốn làm vì chi phí quá cao. Trong khi dù các bộ ngành đã điều chỉnh các định mức nhưng vẫn chậm và chưa đáp ứng trên thực tiễn. Có thể, trong thời gian ngắn các doanh nghiệp có thể duy trì cầm cự nếu xét về dài hạn đây là áp lực với nhà thầu”, bà Thảo quan ngại.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM)Bên cạnh yếu tố khách quan, bà Thảo cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan như ở một số bộ ngành và địa phương có tâm lý sợ làm sai và khi sợ làm sai đối với một công trình dự án bao giờ cũng phải xin ý kiến nhiều nơi, kéo dài thời gian thực hiện.
“Cần chấn chỉnh hơn ở cấp thực thi khi mà có những thủ tục lấy ý kiến quá nhiều, nhiều khi không cần thiết, làm kéo dài dự án đầu tư công”, bà Thảo khuyến nghị.
Bên cạnh đó, cùng một thể chế có những bộ ngành và địa phương giải ngân tốt, có những bộ ngành và địa phương lại chậm. Điều này cho thấy yếu tố về tổ chức thực hiện là lý do có nơi thực hiện tốt, có nơi chưa đạt yêu cầu.
“Vai trò của con người và tổ chức thực hiện là quan trọng, cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như bộ ngành khách nhau cũng khiến mức độ lệ giải ngân khác nhau”, bà Thảo nhìn nhận.
ĐỘNG LỰC VÀ THANH KHOẢN CHO NỀN KINH TẾ
Dù khẳng định mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công ở mức 95-100% là thách thức, song bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, các bộ ngành và địa phương cần nỗ lực có giải pháp để đạt được 70-80% theo mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho năm 2023 với số vốn đầu tư công dự kiến lớn hơn năm 2022.
Về giải pháp cụ thể, bà Thảo cho rằng, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt mạnh mẽ, các bộ ngành và địa phương cũng cần sự đồng cảm chia sẻ với những khó khăn của các nhà thầu, các chủ đầu tư.
“Trong hoạt động đầu tư, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, khi có vướng mắc, nhà thầu hay doanh nghiệp hỏi ý kiến cơ quan nhà nước, trong điều kiện như vậy chúng ta phải tăng cường thời gian giải quyết cho nhà đầu tư. Từ đó, giúp cho quá trình giải ngân nhanh hơn”, bà Thảo nêu.
Đối với các dự án đang gặp khó khăn mà bộ ngành và địa phương không giải quyết được, người đứng đầu cần thông tin đến Tổ công tác của Thủ tướng - nơi tháo gỡ khó khăn một cách nhanh nhất
Về lâu dài, cơ quan làm luật cần phải sửa đổi các hệ thống văn bản pháp luật, cần thay đổi những quy định để thủ tục đầu tư đơn giản hơn, đặc biệt là thủ tục về điều chỉnh đầu tư cũng cần đơn giản hơn.
“Các thủ tục này đang rất phức tạp và tạo ra rào cản lớn khiến chủ đầu tư không biết nên điều chỉnh hay dừng lại hoạt động này”, bà Thảo quan ngại.
Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, chậm triển khai giải ngân đầu tư ngày nào thì vốn sẽ đội lên ngày đó, thậm chí nhiều lần và như thế là lãng phí và kém hiệu quả, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.
Trong đó, có nhiều dự không thể không làm như Dự án vành đai 3, Dự án vành đai 4, Dự án sân bay Tân Sơn Nhất, Dự án sân bay Long Thành,… thì "không cần thủ tục nào hết", mà phải tập trung vốn, nguồn lực và triển khai càng nhanh các tốt và lấy hiệu quả làm đầu tiên.
“Theo tính toán, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06%, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế, trong đó tác động đến thanh khoản với nền kinh tế, đối với các tổ chức tín dụng, đối với tiếp cận vốn của doanh nghiệp”, ông Cung nêu rõ.