Cụ thể, lượng nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ của Trung Quốc đã tăng lên 970 tỷ USD trong tháng Bảy so với 967,8 tỷ USD trong tháng Sáu, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2010, với giá trị trái phiếu ở mức 843,7 tỷ USD.
Trong khi đó, cùng tháng, Nhật Bản giảm lượng nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ xuống 1.234 tỷ USD so với mức 1.236 tỷ USD của tháng trước đó. Dù vậy, Nhật Bản vẫn là quốc gia ngoài Mỹ nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ lớn nhất.
Theo các chuyên gia, quyết định giảm lượng nắm giữ của Nhật Bản ít nhiều cũng phù hợp với các diễn biến trên thị trường tiền tệ giữa bối cảnh đồng yen vững giá so với đồng bạc xanh trong tháng Bảy, khi kết thúc tháng ở mức 131,6 yen/USD so với 135,22 yen/USD vào đầu tháng.
Sự sụt giảm mạnh của đồng yen so với đồng USD trong năm nay đã làm gia tăng triển vọng Nhật Bản can thiệp vào thị trường để thúc đẩy đồng nội tệ. Kể từ đầu năm 2022, đồng yen đã giảm 19,5% so với đồng USD.
Về tổng thể, lượng nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ ở nước ngoài đã tăng lên 7.501 tỷ USD trong tháng Bảy, so với 7.430 tỷ USD trong tháng Sáu.
Trên cơ sở giao dịch, Bộ Tài chính Mỹ đã chứng kiến dòng vốn nước ngoài chảy vào đạt 23,12 tỷ USD trong tháng Bảy, giảm so với mức 58,9 tỷ USD của tháng trước và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm bắt đầu tháng Bảy ở mức 2,904% và kết thúc tháng ở mức 2,642%.
Đối với các loại tài sản khác, trong tháng Bảy, dòng vốn chảy vào trái phiếu doanh nghiệp Mỹ ở mức 8,78 tỷ USD, giảm so với 13,99 tỷ USD trong tháng Sáu. Dù vậy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn là người mua ròng trái phiếu doanh nghiệp Mỹ trong bảy tháng liên tiếp.