Hai thị trường top đầu là Trung Quốc và Hoa Kỳ đang mở cửa đón sầu riêng, bưởi và dự kiến khoai lang cũng như nhiều loại nông sản khác, cùng với tình hình dịch COVID-19 và logistics dần ổn định trở lại sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu rau quả tăng trưởng vào quý 4 và cả năm 2023.
2 yếu tố ảnh hưởng cạnh tranh của trái bưởi Việt Nam tại Hoa Kỳ
Bưởi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, vú sữa và chôm chôm. Ngoài ra, một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng cũng đã được xuất khẩu đến thị trường Mỹ, nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết, trái bưởi được phép xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là một tin vui, tuy nhiên trái bưởi của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt về giá cả với bưởi trồng tại Mỹ, các nước khu vực Nam Mỹ và Mexico… những nước đang xuất khẩu bưởi vào thị trường này, vì chi phí vận chuyển từ Việt Nam cao hơn nhiều so với các thị trường lân cận, cũng như sở thích tiêu dùng của người dân Mỹ.
Vì vậy, bưởi Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ chủ yếu đi vào phân khúc người tiêu dùng châu Á, đặc biệt là người Việt đang sống ở Hoa Kỳ. Còn đối với người dân Mỹ, họ đã quen dùng bưởi nội địa hoặc bưởi Nam Mỹ, nên sức tiêu thụ bưởi Việt Nam dự kiến sẽ không cao, tương tự như trái xoài xuất khẩu vào thị trường này.
“Bưởi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vẫn tiêu thụ được, nhưng không bùng nổ, vì chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ cao nên giá bán sẽ hơn so với các nước trong khu vực Nam Mỹ và bưởi trồng tại Mỹ. Dù vậy, được cấp phép xuất khẩu chính ngạch là tốt rồi, còn chiến lược kinh doanh và tiếp cận thị trường các doanh nghiệp sẽ tự quyết định.
Trong khi đó, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc được dự báo sẽ rất tốt, vì trước khi hai nước ký Nghị định thư thì sầu riêng đã được tiêu thụ mạnh ở thị trường tỷ dân này, bây giờ có giấy phép thì khối lượng tiêu thụ sẽ tăng nhanh, và hiện nay sầu riêng xuất sang Trung Quốc bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu”, Tổng thư ký VINAFRUIT nói.
Sầu riêng của Việt Nam cũng đã xuất vào thị trường Mỹ nhưng ở dạng là đông lạnhLâu nay sầu riêng của Việt Nam cũng đã xuất vào thị trường Mỹ nhưng ở dạng là đông lạnh. Thái Lan và Malaysia cũng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Mỹ. Vì đi hàng tươi là phải vận chuyển bằng máy bay chi phí đắt đỏ, mà hàng mát thì không bảo quản được lâu (khoảng một tháng) sẽ không đủ thời gian bày bán. Đó là chưa kể siêu thị là môi trường kín mùi sầu riêng sẽ có khiến nhiều người không chịu được.
Hiện ở Trung Quốc chỉ mới trồng thử nghiệm sầu riêng, nên đây cũng là lợi thế của sầu riêng Việt Nam ở thị trường này, trong khi bưởi thì họ trồng được rất nhiều, đặc biệt là bưởi Ruby ruột đỏ. Chính vì vậy mà Trung Quốc chưa đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu chính ngạch bưởi sang vì họ phải bảo hộ hàng sản xuất trong nước.
Sầu riêng, khoai lang sẽ góp phần chặn đà sụt giảm kim ngạch ở Trung Quốc?
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn), phía Trung Quốc đang xem xét mở cửa đối với mặt hàng khoai lang của Việt Nam, và theo kế hoạch dự kiến tuần trong tuần này Hải quan Trung Quốc sẽ có lịch khảo sát trực tuyến các vùng trồng khoai lang và cơ sở đóng gói tại Việt Nam.
Sau sầu riêng, dự kiến khoai lang sẽ là mặt hàng thứ 12 sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung QuốcÔng Nguyễn Phúc Nguyên – Tổng thư ký VINAFRUIT cho rằng, khoai lang là mặt hàng bổ dưỡng, có nhiều chất xơ lại rẻ tiền nên được nhiều người Trung Quốc ưa chuộng. Ở Trung Quốc nhiều người đang có xu hướng ăn kiêng và khoai lang loại thực phẩm giúp giảm cân rất tốt.
Cũng theo ông Nguyên, nhiều thị trường lớn đang mở cửa cho nông sản Việt, lúc trước là sầu riêng, giờ là bưởi và sắp tới là khoai lang... Trước những tín hiệu lạc quan này thì năm 2023 kim ngạch xuất khẩu rau quả có lẽ sẽ tăng trưởng rất tốt.
Hàng năm, từ tháng 11 đến tháng 4, tháng 5 là vào vụ thanh long ở Việt Nam nhưng bên Trung Quốc bị trái vụ, còn thanh long trồng trong nhà kín giá bán rất cao, nên thương nhân Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu thanh long từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trung Quốc vừa bị đợt hạn hán rất nặng nề, kéo dài hàng tháng khiến sông ngòi cạn kiệt làm cho nhiều diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc chết từ 30% - 40%, nên thời gian gần đây xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc có khá hơn.
Không chỉ diện tích thanh long bị chết mà sản xuất nông nghiệp cũng bị trì trệ, dự kiến cuối năm nay và đầu năm 2023 Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu rau quả trở lại để phục vụ cho nhu cầu trong nước. Bây giờ có thêm mặt hàng sầu riêng và khoai lang sẽ đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng lên cao hơn so với năm 2022. Nếu sau Đại hội Đảng, phía Trung Quốc gỡ bỏ chính sách "zero COVID" thì hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này sẽ lại càng tăng.
“Đầu năm 2022, ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD, nhưng do thị trường trọng điểm Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách "zero COVID" nên hạ xuống còn 3,5 tỷ USD, và mới đây VINFRUIT cho biết khả năng xuất khẩu rau quả chỉ được từ 3,1 đến 3,2 tỷ USD.
Vì hết tháng 9 chỉ mới được 2,4 tỷ USD, còn 3 tháng cuối năm, mỗi tháng dự kiến xuất khẩu từ 200 - 250 triệu USD/tháng, như vậy cả quý 4 có thể đạt khoảng 750 triệu USD, cộng với 2,4 tỷ USD vào khoảng 3,15 tỷ USD”, Tổng thư ký VINFRUIT dẫn giải.