Xu hướng “trả lại” vốn đầu tư công và ODA nói trên có xu hướng ngày càng gia tăng, đến năm 2021 đã trên 20.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại chưa nhận được đề xuất bổ sung vốn của bất kỳ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nào.
Hiện tượng và xu hướng trên khiến nhiều đại biểu Quốc hội sốt ruột, bên cạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Có ý kiến đề nghị làm rõ việc một số bộ, ngành, cơ quan trung ương xin giảm, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công năm 2022, đặc biệt là việc xin giảm với tỷ lệ quá lớn.
Không có khái niệm “trả lại”...
Hồi âm các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2020 đến nay đã xuất hiện tình trạng bộ, cơ quan trung ương và địa phương có văn bản đề nghị “trả lại” kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, nhất là vốn ODA do không giải ngân được và xu hướng này ngày càng gia tăng (năm 2020 là trên 14.000 tỷ đồng, năm 2021 là trên 20.000 tỷ đồng).
Bộ trưởng giải thích, theo quy định hiện hành, không có khái niệm “trả lại” kế hoạch vốn. Thực chất đây là quy trình điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm theo quy định của Luật Đầu tư công, trong đó, những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có điều chỉnh giảm kế hoạch vốn được quen gọi là “trả lại” kế hoạch vốn.
Tuy nhiên, để thực hiện được việc điều chỉnh kế hoạch vốn thì phải đáp ứng điều kiện có nơi tăng phải có nơi giảm để không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch hàng năm đã được Quốc hội thông qua.
Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh, đây là một điều cần chú ý, cho thấy còn có những “nút thắt” trong hoạt động đầu tư công chưa được giải quyết hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy và tạo áp lực bố trí kế hoạch vốn cho các năm sau rất lớn. Điều này sẽ tác động không chỉ tới công tác lập kế hoạch, mà còn tác động tới khả năng hoàn thành dự án, làm chậm tiến độ, không phát huy hiệu quả đầu tư, lãng phí cơ hội và nguồn lực...
Nguyên nhân của việc giải ngân chậm thì đã được chỉ ra, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt; công tác xây dựng kế hoạch cũng chưa tốt, vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, xây dựng danh mục dự án, kế hoạch chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà từ ý muốn chủ quan ngay khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm..., Bộ trưởng nhận định.
Theo quy định tại Điều 56 Luật Đầu tư công, việc lập kế hoạch phải dựa trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan trung ương và địa phương và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau khi được giao kế hoạch cho các dự án theo đề xuất của bộ, cơ quan trung ương và địa phương, chính các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lại trả lại kế hoạch khi xuất hiện vướng mắc, khó khăn trong giải ngân vốn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rõ.
Nguyên nhân quan trọng nữa, theo Bộ trưởng là việc chấp hành kỷ luật đầu tư công chưa nghiêm, chưa tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư công. Luật Đầu tư công không quy định các bộ, cơ quan trung ương và địa phương “trả lại” kế hoạch năm khi không giải ngân được.
Một điều tưởng như “nghịch lý”
Luật Đầu tư công quy định về thẩm quyền và các trường hợp điều chỉnh kế hoạch (Điều 67); theo đó, việc điều chỉnh kế hoạch trung hạn và hàng năm giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hàng năm đã được Quốc hội quyết định.
Như vậy, việc điều chỉnh kế hoạch giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải bảo đảm nguyên tắc điều chỉnh tăng và điều chỉnh giảm tương ứng. Thực tế, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được đề xuất bổ sung vốn của bất kỳ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nào mà chỉ nhận được một số đề xuất trả lại vốn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu một điều tưởng như “nghịch lý” trong điều kiện vốn đầu tư còn hạn hẹp.
Bộ trưởng giải thích, kế hoạch vốn đầu tư công được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương là chỉ tiêu pháp lệnh, do đó việc không hoàn thành chỉ tiêu này thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Với trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương phải coi việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch đã được giao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng góp phần khơi thông, giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất “trả lại” kế hoạch là không thực hiện nghiêm chỉ tiêu pháp lệnh của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng như có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm được Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua.
Hiện tại, Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn mới có chế tài đối với trường hợp không giải ngân hết kế hoạch, quy định cắt giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn tương ứng với số vốn kế hoạch hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không giải ngân hết và không được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm sau. Do đó, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, nên chăng cần phải bổ sung chế tài đối với các trường hợp trả lại kế hoạch hằng năm, Bộ trưởng nêu quan điểm.