Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thừa ủy quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội về "Tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023", cho thấy tiến độ giải ngân đang chậm, và hàng chục bộ ngành, địa phương xin trả lại hàng nghìn tỷ vốn đầu tư công do không có khả năng giải ngân.
Theo đó, giải ngân đầu tư công 9 tháng của cả nước đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 47,38%); trong đó vốn trong nước đạt 48,6% (cùng kỳ năm 2021 là 51,74%), vốn nước ngoài đạt 19,03% (cùng kỳ năm 2021 là 12,69%).
“Dồn dập” xin trả lại vốn
Từ tháng 9/2022, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương dồn dập có văn bản xin trả lại vốn không có khả năng giải ngân. Cụ thể:
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo đề nghị trả lại 173,155 tỷ đồng (tương đương 26% kế hoạch được giao).
Ủy ban Dân tộc đề nghị trả lại 52,7 tỷ đồng (tương đương 97,6% kế hoạch được giao).
Bộ Y tế đã có công văn xin giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 là 536 tỷ đồng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị giảm 589,549 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng đề nghị giảm 167,39 tỷ đồng.
Bộ Khoa học Công nghệ đề nghị giảm 141,67 tỷ đồng.
Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị giảm 31,8 tỷ đồng.
Các địa phương cũng không giải ngân được vốn nước ngoài nên cũng xin trả lại hoặc giảm vốn, trong đó nhiều đơn vị đề nghị giảm vốn hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể:
TP.Hà Nội đề nghị giảm kế hoạch vốn tới hơn 2.217 tỷ đồng do các dự án ODA nhiều khó khăn, vướng mắc, không giải ngân được trong năm 2022.
Tỉnh Bắc Ninh đề nghị giảm kế hoạch 1.827 tỷ đồng bao gồm: vốn ODA 27 tỷ đồng, 1.800 tỷ đồng từ nguồn thu sử dụng đất.
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị giảm hơn 98 tỷ đồng nguồn vốn ODA.
Tỉnh Khánh Hòa kiến nghị điều chỉnh giảm trên 171 tỷ đồng.
TP. Cần Thơ kiến nghị điều chỉnh giảm 1.450 tỷ đồng.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị giảm 2.248,8 tỷ đồng.
Bộ Ngoại giao đề nghị giảm hơn 391 tỷ đồng...
Cần có giải pháp với tình trạng “xin” trả lại vốn
Về nguyên nhân, Bộ KH&ĐT cho biết, theo quy định, hiện nay các địa phương phải vay một phần nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) chủ yếu thực hiện theo hình thức vay ưu đãi. Tuy nhiên, quy trình vay rất phức tạp, phải thực hiện đúng quy định của luật pháp Việt Nam và quy định của nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối của các địa phương nên một số địa phương không mặn mà với nguồn vốn này. Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng dự án kéo dài, giải ngân chậm.
“Bộ đã làm việc với các nhà tài trợ nhằm hài hòa các quy định, thủ tục trong nước và nước ngoài, vừa đảm bảo chặt chẽ, điều chỉnh linh hoạt hơn”, Bộ KH&ĐT thông tin.
Theo Bộ Tài chính, vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 rất lớn, với tổng số khoảng 700.000 tỷ đồng, bao gồm vốn kế hoạch 2022, vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang, vốn giao thêm của các địa phương, nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nguồn vốn giao bổ sung từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025...
“Có thể nói đây là nguồn lực rất lớn, lớn nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng cho phục hồi nền kinh tế, do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm để thúc đẩy giải ngân”, Bộ Tài chính cho biết.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài thông qua phối hợp cùng với một số bộ, ngành như Bộ KH&ĐT; một số bộ có chỉ tiêu lớn như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... đã có giải pháp để thúc đẩy giải ngân, như cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính... Tuy nhiên, kết quả giải ngân còn chậm so với kế hoạch đề ra cũng như so với năm trước.
“Giải ngân chậm ODA có nhiều nguyên nhân, khách quan là chúng ta tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch, ảnh hưởng trực tiếp đến giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn ODA. Bên cạnh đó, tình hình giá cả leo thang, nhập nguyên vật liệu cho các dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là rất quan trọng, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện”, Bộ Tài chính chỉ rõ.
Để hoạt động giải ngân đảm bảo kế hoạch đề ra, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án có tiềm năng và các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng.
“Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với Luật số 03/2022/QH15 vừa được Quốc hội thông qua ngày 11/01/2022, theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn nước ngoài, tăng cường phân cấp trong quản lý, sử dụng vốn ODA gắn với trách nhiệm của cấp, đơn vị sử dụng vốn ODA”, Bộ Tài chính thông tin
Trước tình trạng này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ việc các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xin “trả lại” kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 do không có khả năng giải ngân; tổng hợp số liệu cụ thể, báo cáo Quốc hội để điều chỉnh giảm chi ngân sách nhà nước, giảm bội chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) tương ứng và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.
Tránh trường hợp Chính phủ trình tăng bội chi NSNN năm 2022, trong khi vốn đầu tư công không giải ngân được, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm lại chưa được tổng hợp kịp thời để đánh giá số liệu chi NSNN, bội chi NSNN sát thực tế hơn.
Trong đó, đề nghị Chính phủ tiến hành đánh giá, tổng hợp số liệu thực hiện vốn ODA và có giải pháp đối với tình trạng giảm kế hoạch vốn từ nguồn này.
Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cũng lưu ý, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 phải bảo đảm phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư công và khả năng giải ngân thực tế; bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, lãng phí, trong đó tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, ưu tiên cho các dự án chuyển tiếp có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng.