Đó là chia sẻ của ông Lý Đình Quân - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Phiên thảo luận mở “Khởi nghiệp Vùng đồng bằng Sông Hồng nhìn từ thực tiễn” - trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng” chiều 11/5.
Theo ông Quân, sau khi có “Đề án 844”, theo Quyết định 844/QĐ-TTg năm 2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” - đã có được hành lang, sự chung tay của Chính phủ trong việc định hướng cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, có vấn đề nảy sinh là khi thúc đẩy hệ sinh thái của các địa phương, hầu hết điểm khó nhất lại đến từ tư duy lãnh đạo.
Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, có nhiều lãnh đạo các địa phương cho rằng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chỉ là hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp. Trong khi đó, ông Quân nhìn nhận, đổi mới sáng tạo lại chính là cách để nâng cao hoạt động tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao hiệu suất, phát triển nền kinh tế của địa phương.
Theo ông Quân, khi tầm nhìn lãnh đạo xem đổi mới sáng tạo là đòn bẩy, nền tảng để phát triển khoa học công nghệ, cũng như đòn bẩy để giải quyết tất cả các vấn đề của tư duy truyền thống thì lúc đó khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ trở nên mạnh mẽ và có lực đẩy rất nhanh.
Ông Lý Đình Quân - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Cũng theo ông Quân, có một khó khăn khác là các địa phương không biết làm cách nào để thực hiện đổi mới sáng tạo. Họ dựa trên các văn bản của Bộ KH&CN để lập kế hoạch, nhưng khi thực hiện lập kế hoạch hành động và đưa qua các Sở thì không nhận được sự đồng thuận, do không có cố vấn cho Chương trình này tại địa phương.
Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng, cần phải có sự tham gia của Bộ KH&CN và các tổ chức cố vấn để hỗ trợ cho các địa phương. Nhưng trước khi hành động, các tỉnh thành có thể chia thành ba giai đoạn, ứng với ba nhóm cụ thể như sau:
Nhóm thứ nhất, ứng với giai đoạn đầu: Đây là quá trình truyền cảm hứng, làm rất nhiều hội thảo, hội nghị để giải quyết bài toán nhận thức, tư duy về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nhóm thứ hai là giải quyết bài toán phát triển các nguồn lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong đó, lựa chọn những con người tiên phong để dấn thân, hợp tác với doanh nghiệp và các bên liên quan để đưa tri thức vào quá trình điều hành, quản lý. Theo ông Quân, đây là là quá trình kiến tạo.
Cuối cùng, Nhóm thứ ba là các yếu tố liên quan tới những mạng lưới như cố vấn (mentor), rồi đến mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, hay các quỹ, vườn ươm khởi nghiệp…
Phiên thảo luận mở tại Diễn đàn cấp cao “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng” chiều 11/5. Ảnh Tuấn Việt
Kỳ vọng về những giải pháp thiết thực...
Tiếp nối Diễn đàn cấp cao vào buổi chiều, tối 11/5, phiên khai mạc trọng thể của Techfest vùng Đồng bằng sông Hồng 2023 với chủ đề “Thành Nam khơi nguồn sáng tạo - đồng bằng sông Hồng kiến tạo tương lai” đã chính thức được tổ chức với sự chủ trì của Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; cùng hàng trăm đại biểu là đại diện các tổ chức quốc tế; lãnh đạo ban, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp...
Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Thành Đạt cho biết, từ khi được tổ chức lần đầu năm 2015, đến nay Techfest đã trở thành sự kiện thường niên và là chuỗi hoạt động lớn nhất, quy tụ đông đảo cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
Năm 2022, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư vào các startup công nghệ chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực của khủng hoảng toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư.
Bên cạnh Techfest quốc gia, trong năm 2022, đã có tới 15 sự kiện Techfest địa phương và vùng được tổ chức, thu hút hàng chục nghìn người tham dự, trình diễn và vinh danh hàng trăm sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo của các địa phương, vùng miền.
Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại Lễ khai mạc Techfest vùng Đồng bằng sông Hồng 2023 tối 11/5.
Về Techfest tại Nam Định 2023, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, vùng đồng bằng sông Hồng có tiềm lực lớn về phát triển khoa học công nghệ với số lượng trường đại học, nguồn lực nghiên cứu phát triển (R&D) lớn nhất nước. Ông cũng bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao địa phương này đã tổ chức sự kiện Techfest vùng đầu tiên của năm 2023.
Theo ông Đạt, Bộ KH&CN mong muốn chuỗi hoạt động phát triển hệ sinh thái liên kết các địa phương, vùng được tiếp tục mở rộng, kết nối càng thành phần chặt chẽ hơn. Ông kỳ vọng các chuyên gia, nhà đầu tư, cơ quan quản lý sẽ có thêm cơ hội trải nghiệm sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp; qua đó trao đổi về giải pháp thiết thực để kết nối vùng Đồng bằng Sông Hồng trở thành điểm thu hút nguồn lực không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế...