Chiều ngày 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA vùng ĐBSCL.
Tại cuộc họp, các ý kiến đánh giá, ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, là vùng nông nghiệp nổi tiếng thế giới; nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, trong đó có nguyên nhân do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và việc huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trong đó có nguồn vốn ODA.
Đặc biệt hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn, cản trở ĐBSCL phát triển. Việc triển khai các dự án giao thông tại ĐBSCL còn một số khó khăn như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường, công tác quản lý dự án, năng lực của nhà thầu, tư vấn, thủ tục giải ngân, điều kiện thi công phức tạp...
Phát biểu tại cuộc họp, nhấn mạnh yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các dự án tại ĐBSCL, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm; nghiên cứu phương án sử dụng cát biển làm nguyên vật liệu đắp nền và nghiên cứu các phương án xây dựng cầu cạn cao tốc.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua sớm hoàn thành các nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thẩm định các dự án thành phần,...; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, vượt qua mọi thách thức để triển khai dự án, kiểm soát tiến độ.
Đối với các dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý 3/2023 (chậm nhất trước ngày 31/12/2023). Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ.
Về một số dự án cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư trong tháng 7/2023.
Với dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Thủ tướng giao UBND các tỉnh tập trung giải quyết các vướng mắc để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 7/2023; UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành căn cứ các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai thủ tục giao mỏ nguyên vật liệu cho các nhà thầu khai thác, không để phát sinh các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Các tỉnh An Giang, Vĩnh Long sớm xác định nguồn cấp cho khối lượng cát còn lại của các dự án, trong đó ưu tiên cấp đủ nhu cầu năm 2023; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục để nhà thầu dự án Cần Thơ - Cà Mau có thể khai thác các mỏ trong tháng 7/2023.
Với các dự án thành phần thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng bám sát tiến độ đã lập để thực hiện công việc liên quan, đảm bảo bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023; UBND TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang sớm làm việc với UBND tỉnh An Giang để xác định cụ thể các mỏ cấp cho dự án và hoàn thành thủ tục khai thác.
Với các dự án ODA, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng, linh hoạt hơn trong việc vay vốn ODA khi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao.
Thủ tướng đồng ý chủ trương vay ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất (đã có cam kết) với mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ; đồng ý cấp phát 90% vốn cho các dự án này.