Đây là giải đáp của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong về những giải pháp để thu hồi tài sản tham nhũng, tại phiên chất vấn sáng ngày 5/11.
Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, theo đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông), hiện nay còn 40% đến 50% số tài sản chưa được thu hồi lại trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo. Đây là con số không nhỏ vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên chiếm hoặc sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát. Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết giải pháp căn cơ nào đặt ra cho việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn?
Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết đây là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế. Vấn đề này Ban Bí thư đã có Chỉ thị 04, do đó, kết quả 9 tháng thu hồi tài sản tham nhũng của năm 2022 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021.
“Trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện tốt Chỉ thị 04, đề nghị các cơ quan sửa đổi bổ sung quy định thu hồi tài sản, giải quyết bất cập, đảm bảo tính đồng bộ để công tác thu hồi hiệu quả”, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Về giải pháp, cần hoàn thiện cơ chế thu hồi, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải xử lý ngay, tránh tẩu tán, thất thoát tài sản. Trong giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài cần có hợp tác quốc tế về vấn đề này.
Tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) đề cập đến việc thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên là rất khó, chưa có giải pháp hiệu quả để thu hồi.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí từng khẳng định vấn đề này có nhiều nguyên nhân và rất khó để thu hồi, đặc biệt trong điều kiện chưa có Luật về đăng ký tài sản thì nên chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự sẽ thu hồi được nhiều hơn.
“Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có tán thành quan điểm này không? Nếu tán thành thì giải pháp là gì? Nếu không tán thành, Thanh tra Chính phủ có giải pháp gì tốt hơn không?” đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, về thu hồi tài sản, nên tập trung ưu tiên xử lý kinh tế, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự. Đây là quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thanh tra Chính phủ cũng quán triệt quan điểm này trong xử lý các vụ việc.
“Đối với một số vụ việc, sau thanh tra thì vẫn yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra. Đối với những vụ việc chưa phân định rõ là hình sự hay kinh tế, thì ưu tiên xử lý kinh tế trong thời hạn thanh tra. Tuy nhiên việc này chỉ áp dụng trong một thời hạn nhất định, có thể 1-1,5 năm, nếu sau thời gian này không thực hiện được thì sẽ chuyển đến cơ quan điều tra”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.