Theo Cảng hàng không Việt Nam (ACV), dự án nâng cấp sân bay Điện Biên sẽ hoàn thành thi công giai đoạn 2 công trình hàng rào an ninh vào tháng 6. Đến tháng 12, hoàn thành công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay.
Với công trình nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ, từ tháng 3, ACV lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng gói thầu thi công xây dựng nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ và gói thầu giám sát. 1 tháng sau, dự án được khởi công. Thời gian hoàn thành dự kiến vào tháng 12, rút ngắn thời gian 4 tháng so với chủ trương đầu tư được phê duyệt.
Trước đó tháng 1/2022, dự án mở rộng sân bay Điện Biên với tổng mức đầu tư là hơn 1.400 tỷ đồng được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng 1.555 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên.
Hiện tại, một số vị trí chưa thi công do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, một số vị trí khi thi công chặn đường dân sinh và hệ thống kênh mương tưới tiêu nên bị người dân cản trở thi công. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ chung của dự án.
Ngoài ra, nguồn vật liệu gồm đất đắp, cát hạn chế, không đủ trữ lượng cho thi công dự án. Trong khi thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu mới đòi hỏi thời gian. Vì vậy, tiến độ dự án bị chậm.
ACV kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên sớm hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành các công trình phụ trợ phục vụ dân sinh gồm đường đi lại, hệ thống tưới tiêu, tránh để người dân cản trở việc thi công.
Doanh nghiệp này cũng đề nghị UBND tỉnh Điện Biên có phương án bổ sung các nguồn vật liệu nhằm đảm bảo đủ trữ lượng. Hiện nay chỉ có thể khai thác cát tự nhiên từ sông Nậm Rốn. Với đất đắp, đang khai thác duy nhất tại mỏ Cò Chạy với công suất khoảng 130.000 m3/năm. Trong khi khối lượng đất thông thường cần cho đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay khoảng 467.000 m3 và dự kiến thi công trong khoảng 3 tháng, từ tháng 1-4.
Sân bay Điện Biên được khôi phục từ sân bay Mường Thanh do người Pháp xây dựng. Mục tiêu của dự án là mở rộng hạ tầng sân bay, đáp ứng khai thác được các máy bay Airbus A320, A321 và tương đương, thay vì chỉ khai thác các máy bay nhỏ như trước đó. Đồng thời nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 hành khách một năm lên 500.000 khách một năm.
Sân bay Điện Biên sau khi được nâng cấp, mở rộng góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, thương mại, dịch vụ, phát huy giá trị của quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ.