Không thể để doanh nghiệp tự quyết
Vừa qua, Bộ Công thương đã công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu (Dự thảo).
Điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo nói trên là đề xuất phương án Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế.
Theo đó, phương án được Bộ Công thương đề nghị chọn là Phương án 2 là “Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế, lợi nhuận định mức, mức trích, sử dụng Quỹ bình ổn giá... Đây được coi là giá định hướng, các doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu này sẽ cộng các chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình. Doanh nghiệp tự kê khai khi thay đổi giá bán, báo cáo liên Bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.”
Theo Bộ Công thương, lý do chọn phương án 2 là cần đưa giá xăng dầu dần về sát với thị trường, giảm dần sự can thiệp Nhà nước. Mặt khác, phương án này đảm bảo các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh của từng doanh nghiệp, hạn chế đầu cơ, găm hàng và khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.
PGS.TS Ngô Trí Long
"Khi doanh nghiệp đầu mối được tự quyết định các chi phí kinh doanh, họ sẽ cân đối, duy trì chiết khấu trong hệ thống phù hợp với thực tế cung cầu trên thị trường, nên vấn đề bất cập về chiết khấu được giải quyết", Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Bày tỏ quan điểm về đề xuất nói trên, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng đó là phương án “không thể chấp nhận” do vi hiến, không tuân thủ theo luật hiện hành, cụ thể là Luật giá.
Theo đó, PGS.TS Ngô Trí Long ví việc giao quyền quyết định giá bản lẻ xăng dầu cho các doanh nghiệp như việc giao cho “một anh gà có cựa” hay “hổ đã có một nanh vuốt” nếu lại giao cho thêm một “nanh vuốt” là rất nguy hiểm.
“Khi họ giữ được vị thế thống lĩnh thị trường thì họ có thể lợi dụng vị thế của họ để nâng giá, buộc người tiêu dùng phải chấp nhận”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong nền kinh tế theo cơ chế thị trường, sự điều hành của nhà nước cần đảm bảo hài hòa lợi ích của ba bên gồm nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
“Lợi ích của Nhà nước khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi thì Nhà nước sẽ thu được thuế, khi giá hợp lý thì người tiêu dùng mua càng nhiều, theo đó, doanh nghiệp lại càng lãi nhiều và Nhà nước sẽ lại được thu được thuế. Doanh nghiệp sẽ nhận được lợi ích thỏa đáng và phù hợp với đóng góp chứ không thể do vị thế độc quyền của anh”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Theo đó, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng việc giao cho các doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu như đề xuất là hoàn toàn không thể chấp nhận được do vi hiến, vi phạm luật giá, vi phạm luật cạnh tranh.
Cần cơ chế điều hành phù hợp
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, một vật tư quan trọng cho nên mỗi sự biến động dù là nhỏ nhất của mặt hàng này đều tác động tới toàn bộ nền kinh tế, xã hội Việt Nam nói riêng và Thế giới nói chung. Chính vì vậy, cho nên tất cả các quốc gia đều rất coi trọng vấn đề an ninh năng lượng, trong đó có an ninh về xăng dầu.
Đối với thị trường xăng dầu năm 2022, theo PGS.TS Ngô Trí Long, thời gian qua, thị trường xăng dầu biến động rất khó lường với nhiều yếu tố tác động, trong đó có nhiều yếu tố không thể dự báo trước. Không ai ngờ được hàng hóa, sản phẩm vật tư chiến lược quan trọng nhất lại có thời điểm như tháng 4/2020 giá xăng dầu giao sau của thế giới giảm xuống mức -36 USD/thùng. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trên thế giới,.
“Năm 2022 là một năm “dị thường” của hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước. Cũng chính từ sự dị thường này đã tác động không nhỏ tới công tác điều hành thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Đối với công thức giá bán lẻ xăng dầu hiện nay, theo PGS.TS Ngô Trí Long, hiện nay giá xăng dầu do nhà nước quy định, trong cơ cấu giá xăng dầu có 9 yếu tố, trong đó có yếu tố chi phí kinh doanh. Trong chi phí kinh doanh thì lợi nhuận của người bán nếu được tính toán một cách hợp lý, đảm bảo có lợi nhuận thì các hoạt động sẽ ổn định và bình thường.
Từ những diễn biến trên thị trường xăng dầu trong thời gian qua, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng bản thân cơ quan điều hành cần rút ra bài học là phải theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới để điều phối một cách nhịp nhàng.
“Các cơ quan quản lý cần phải theo sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để điều hành linh hoạt hơn. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý cũng cần phải nhuần nhuyễn, hiệu quả hơn nữa. Trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu đã được quy định rất rõ trong Nghị định số 83 cũng như Nghị định số 95. Chủ trì là Bộ Công Thương, nhưng trong đó mỗi bộ, ngành phải có trách nhiệm nhất định. Ví dụ vấn đề về vấn đề thuế, phí lại là trách nhiệm của Bộ Tài chính”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng yếu tố tiên quyết là phải kinh doanh theo nguyên tắc tuân thủ đúng pháp luật của nhà nước cũng như có kế hoạch nhằm đảm bảo sự chủ động trong mọi tình huống.
“Kinh doanh xăng dầu là một lĩnh vực giá cả luôn biến động, có sự rủi ro rất lớn cho nên doanh nghiệp phải có những công cụ, hay những phương pháp phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, phải có năng lực, không chỉ về tài chính mà còn cần năng lực dự báo về biến động giá để phòng ngừa rủi ro, tránh gây những hệ lụy, những tác động xấu đối với bản thân doanh nghiệp và thị trường”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.