Tháng 2, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 181,576 triệu USD, so với tháng 2/2022 tăng 59,47%. Cộng dồn 2 tháng đạt 320,532 triệu USD, chiếm 56,73% thị phần, tăng 22,69% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công thương, trong tháng 2, xuất khẩu hàng rau quả có nhiều tín hiệu tích cực, bởi thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau thời gian dài áp dụng chính sách “Zero COVID”.
Đáng chú ý, tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2023 rất khả quan, do trong năm 2022, Việt Nam ký 4 nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch với phía Trung Quốc cho các loại sản phẩm trong đó có sầu riêng, tạo điều kiện xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc thuận lợi hơn.
Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 821.600 tấn sầu riêng, trị giá trị 4,2 tỷ USD, tăng 42,7% về lượng và tăng 82,4% về kim ngạch so với năm 2020. Tính về sản lượng lẫn kim ngạch đều đứng đầu danh mục trái cây tươi nhập khẩu của nước này.
Nhập khẩu sầu riêng ở Trung Quốc đã tăng khoảng 4 lần so với năm 2017. Xu hướng này được dự báo còn tiếp tục tăng và sầu riêng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan, Malaysia – hai đối tác truyền thống xuất khẩu sầu riêng lớn tại thị trường Trung Quốc.
Theo đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu, Trung Quốc), do Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia nên họ đã có nền tảng sản xuất, đóng gói và quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam.
Hiện thương hiệu sầu riêng của Malaysia và Thái Lan tại thị trường Trung Quốc cũng được người dân Trung Quốc biết đến nhiều hơn, điều này sẽ là lực cản đối với sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
“Để thắng trên thị trường, hàng hóa phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo dựng thương hiệu lành mạnh trên thị trường. Nhìn nhận khách quan, nông sản Việt Nam vào Trung Quốc nhiều. Tuy vậy, dù thế nào thì hàng hóa chất lượng cao mới là yếu tố giúp nông sản Việt Nam tạo nên vị thế tại thị trường Trung Quốc”, đại diện Sunwah nói.
Cần xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng Việt Nam
TS. Trà My - Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc cho biết vấn đề đau đầu nhất hiện nay là bài học thương hiệu cho nông sản Việt, trong đó có thương hiệu cho trái sầu riêng.
Ví dụ, một trái sầu riêng của Việt Nam bán khoảng 200.000 đồng, nhưng nếu có thương hiệu giá trị sẽ tăng lên 300.000 ngàn đồng. Trái sầu riêng gai đen của Malaysia có thể bán được cả 1.000 USD nhờ có thương hiệu.
“Để nâng cao chuỗi giá trị của trái cây Việt Nam, chúng ta cần chủ động hơn nữa trong việc học hỏi, tiếp cận chuỗi cung ứng và chuỗi thương hiệu, vì bán hàng thương hiệu là một bài học lớn có giá trị kinh tế cao hơn là đơn thuần bán hàng nguyên liệu”, TS. Trà My nhấn mạnh.
Dẫn thêm về thương hiệu, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, sầu riêng Việt Nam mới phát triển vài năm gần đây và chủ yếu chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, thậm chí núp dưới thương hiệu của nước khác nên dù người tiêu dùng đã dùng qua nhưng không biết đó là sầu riêng của Việt Nam.
Thứ hai, ngày trước Việt Nam có nhiều giống sầu riêng nổi tiếng như Chuồng bò, Chín Hóa và sau này có Ri6, Dona, ... nhưng đến nay chưa có một giống sầu riêng nào đủ nổi tiếng để khi nói đến có thể hình dung ngay, kiểu như khi nói đến sầu riêng Malaysia thì có Musang King hay sầu riêng của Thái Lan thì có Monthong.
Để xây dựng thương hiệu quốc gia cho trái sầu riêng, Tổng thư ký Vinafruit cho rằng khi xây dựng thương hiệu cần chú ý đến 2 yếu tố là giống và địa danh xuất phát của giống cây đó - nơi nó được trồng nhiều nhất cho chất lượng tốt nhất. Ông Nguyên khuyến nghị, trong trường hợp xây dựng thương hiệu sầu riêng có thể chọn giống sầu riêng Ri6 Tiền Giang - miền Tây.
Sầu riêng Ri6 có những đặc điểm nổi trội như khi chín vỏ vẫn giữ màu xanh tươi, hạt lép, cơm sầu riêng thơm ráo không nhão ăn rất ngon. Đây là giống sầu riêng của Việt Nam do chính người Việt Nam lai tạo. Vì vậy, khi xuất khẩu sầu riêng ra thị trường thế giới, nếu các nước nhập khẩu đòi hỏi bản quyền giống sầu riêng thì Ri6 đảm bảo vấn đề sở hữu trí tuệ.
“Sầu riêng Ri6 trồng ở miền Tây dễ chín, chất lượng thơm, ngon, béo, ngọt … được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, có thể lấy Ri6 xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Ngoài ra, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng đang nghiên cứu các giống sầu riêng mới có thể cho chất lượng tốt hơn Ri6 và Monthong.
Trước mắt, nếu Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn có quyết tâm xây dựng thương hiệu sầu riêng có thể chọn Ri6. Sau này nếu Viện Cây ăn quả miền Nam có nghiên cứu ra giống sầu riêng mới ngon hơn thì xây dựng thương hiệu tiếp cho giống sầu riêng mới này”, ông Nguyên nói.