Thực trạng này khiến ngành chức năng lo ngại và kêu gọi bà con nông dân nên cẩn thận trước khi quyết định mở mới diện tích sầu riêng.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng “chúng ta không nên lo lắng khi diện tích sầu riêng tăng mạnh, mà người lo lắng chính là Thái Lan – đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam tại thị trường Trung Quốc”.
Nhiều địa phương mở rộng diện tích trồng sầu riêng
Năm 2022, Việt Nam ký 4 Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch với phía Trung Quốc cho các loại sản phẩm trong đó có sầu riêng, tạo điều kiện xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc thuận lợi hơn.
Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 821.600 tấn sầu riêng, trị giá trị 4,2 tỷ USD, tăng 42,7% về lượng và tăng 82,4% về kim ngạch so với năm 2020. Tính về sản lượng lẫn kim ngạch đều đứng đầu danh mục trái cây tươi nhập khẩu của nước này.
Nhập khẩu sầu riêng ở Trung Quốc đã tăng khoảng 4 lần so với năm 2017. Xu hướng này được dự báo còn tiếp tục tăng và sầu riêng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan, Malaysia – hai đối tác truyền thống xuất khẩu sầu riêng lớn tại thị trường Trung Quốc.
Thời gian qua, ở Việt Nam nhiều địa phương mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang, cuối năm 2021, diện tích sầu riêng của địa phương này chỉ đạt 15.172 ha thì đến cuối năm 2022 đã lên 17.653 ha, tăng 16,35%. Các giống sầu riêng đang trồng phổ biến là Ri6 chiếm 54,7%, Monthong chiếm 41,1% và các giống khác chiếm 4,2%. Trong đó, có 10.539 ha sầu riêng đang cho trái, chiếm 59,7% trên tổng diện tích sầu riêng cả tỉnh.
Có ba nguyên nhân khiến diện tích sầu riêng ở Tiền Giang tăng mạnh trong thời gian qua:
Thứ nhất, hạn, mặn mùa khô năm 2020 làm nhiều vườn cây ăn trái của người dân bị thiệt hại nặng nề nên bà con đã trồng mới và thay thế bằng cây sầu riêng.
Thứ hai, có nhiều diện tích vườn cây ăn trái bị suy kiệt, kém hiệu quả và vườn tạp đã được bà con chuyển đổi sang trồng mới. Sầu riêng được bà con lựa chọn cho hiệu quả kinh tế cao.
Thứ ba, diện tích đất lúa kém hiệu quả ở khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A cũng được bà con chuyển đổi sang trồng sầu riêng.
Đại diện Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho rằng diện tích sầu riêng của tỉnh tăng là phù hợp với quy hoạch, và theo Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang” và Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”.
Không nên quá lo lắng khi diện tích sầu riêng tăng mạnh
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Với mức tăng diện tích sầu riêng như hiện nay thị trường vẫn có thể “tải được” hết nên không có gì phải lo. Trong khi đó người lo lắng nhất đối với việc diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam tăng mạnh là Thái Lan.
Vì xét về mọi mặt thì sầu riêng Việt Nam vẫn hơn sầu riêng Thái Lan, nhất là chất lượng thơm ngon hơn, vị của sầu riêng Việt Nam đậm đà và đặc trưng hơn sầu riêng của Thái Lan nhiều nhưng có giá bán rất cạnh tranh nên được người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng.
“Ngoài ra, chi phí logistic vận chuyển sầu riêng từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng rẻ hơn nhiều so với sầu riêng từ Thái Lan vận chuyển sang Trung Quốc. Vì vậy, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đang lo chứ không phải là Việt Nam lo”, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.
Tuy nhiên, điều Việt Nam cần quan tâm nhất hiện nay đối với việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc là tăng số lượng mã số, vì cho đến bây giờ Việt Nam chỉ mới được phía Trung Quốc xác nhận 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói.
Ngoài ra, bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 2 âm lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch sầu riêng, và nơi đây có nhiều mã số vùng trồng cũng như mã số đóng gói, khi đó thì sản lượng sầu riêng xuất khẩu mới cao.
“Khi các tỉnh miền Tây thu hoạch sầu riêng xong thì đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Phước … sau đó lên các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, vì vậy sầu riêng ở Việt Nam có quanh năm trong khi đó sầu riêng Thái Lan chỉ có từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm.
Các vùng trồng sầu riêng ở Việt Nam trải dài theo vĩ tuyến, cộng thêm lợi thế về vùng trồng của chúng ta có nhiều nên rải vụ đều cho cả năm. Chính nhờ rải vụ nên sầu riêng Việt Nam tránh được tình trạng bị đụng hàng, vội chợ phải giải cứu như các loại nông sản khác. Ngoài ra sầu riêng còn được chế biến đông lạnh xuất khẩu đi các thị trường xa. Đây là lợi thế của trái sầu riêng so với trái thanh long”, Tổng thư ký Vinafruit phân tích.