Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp liên quan đến việc miễn visa đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép cấp thị thực điện tử (evisa) cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực (visa) từ 15 ngày lên 45 ngày; đặc biệt, kéo dài thời hạn thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Như vậy, du khách quốc tế đến Việt Nam có thể lưu trú tới 3 tháng và thoải mái ghé thăm các nước khác rồi quay lại Việt Nam mà không cần xin lại visa.
Cú hích mới của ngành du lịch
“Doanh nghiệp không phải là mừng mà là quá mừng và không phải một doanh nghiệp mừng mà quá nhiều doanh nghiệp mừng”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) hứng khởi đón nhận thông tin mới này.
Theo bà Thủy, dù quyết sách này không phải là sớm nhưng là tâm nguyện của cộng đồng doanh nghiệp ngành du lịch và hàng không trong nhiều năm qua. Bởi, trong sự cạnh tranh với các nước trong khu vực, ngành du lịch Việt Nam luôn trăn trở việc chính visa không thể so sánh được với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể: Việt Nam chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử (eVisa) cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần.
Trong khi đó, Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore cho 162 quốc gia, Philippines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc miễn cho 66 quốc gia, Thái Lan miễn cho 64 quốc gia…
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)
Vì vậy, với quyết sách mới, ngành du lịch sẽ có “câu chuyện mới” để truyền thông và lan tỏa nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt tại thời điểm nhiều nước trên thế giới cũng mở cửa trở lại như Trung Quốc.
“Các doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch và hàng không đã cam kết - chỉ cần Chính phủ ủng hộ thì họ sẵn sàng dốc lực để lan toả để truyền thông chính sách, điểm đến Việt Nam tới du khách quốc tế. Đây là một kết hợp rất tốt giữa công và tư”, bà Thủy nhìn nhận.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho biết, chính sách visa là điều kiện cần và đủ của hoạt động kinh doanh du lịch.
Do vậy, nếu mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách khi lưu trú tại Việt Nam thì sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các nhà kinh doanh du lịch phát triển du lịch một cách bền vững không chỉ ở giai đoạn phục hồi mà còn lâu dài về sau. Đây là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung.
"Nếu được Quốc hội thông qua đây sẽ là cơ hội vàng để thu hút khách du lịch quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam so với các nước trong khu vực. Tôi tin chắc con số 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay chúng ta sẽ đạt được và thậm chí là vượt", ông Thủy nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch
Tập trung hút khách du lịch có khả năng chi trả cao
Còn theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Việt Nam đã mở cửa sớm hơn các nước trong khu vực, song chính sách visa kém hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới là nguyên nhân khiến khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng.
Vì vậy, với đề xuất mới của Chính phủ về các chính sách visa sẽ tạo ra một luồng gió mới cho ngành du lịch Việt Nam đón khách quốc tế.
Theo ông Bình, hiện ngành du lịch Việt Nam đã và đang phát triển theo hướng đón dòng khách quốc tế có khả năng chi trả cao. Tuy vậy, việc quy định thời gian miễn thị thực 15 ngày đã làm mất đi đối tượng khách này vì họ có nhu cầu nghỉ dài ngày hơn (từ 3-4 tuần).
“Về nguyên tắc chúng ta có thể làm thủ tục visa để họ ở lại thêm, song những người đi du lịch không muốn làm thủ tục nhiều lần. Vì vậy, với những đề xuất của Chính phủ chắc chắn sẽ thu hút lượng khách vốn muốn ở Việt Nam dài ngày và là những đối tượng có khả năng chi trả cao”, ông Bình nhìn nhận.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA)
Mặc dù vậy, theo ông Bình, sau khi Chính phủ thống nhất với Bộ Công An trình Quốc hội thông qua nhiều chính sách mới trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, ngành du lịch đang tiếp tục trông chờ Bộ Ngoại giao trình danh sách các nước mở rộng diện áp dụng của chính sách miễn thị thực đơn phương.
“Việc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương cần hướng tới những thị trường trọng điểm, có mức chi tiêu cao. Đơn cử, Canada hiện có mức chi tiêu trên 33 tỷ USD; hoặc các nước châu Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ đều chi từ 21 - 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch là những nước hiện thuộc chính sách được miễn visa”, ông Bình đề xuất.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch nói chung và Tổng cục Du lịch sẽ phải có trách nhiệm truyền thông các chính sách đó đến với tất cả các doanh nghiệp đưa khách đi và đón khách đến với Việt Nam, kể cả thị trường gửi khách và thị trường đón khách để họ hiểu biết và nắm sâu hơn về các chính sách đã đưa ra.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, nhất là Hiệp hội Du lịch để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch đưa khách đến Việt Nam, đảm bảo yếu tố cần và đủ để khách đến khám phá Việt Nam dễ dàng, thuận tiện.