Sáng 17/3 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Phiên họp kỹ thuật của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2023.
Những nội dung vướng mắc mà các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới Diễn đàn trải khá rộng trong nhiều ngành và lĩnh vực. Đáng chú ý, có nhiều kiến nghị liên quan đến chính sách visa để thúc đẩy phát triển du lịch tại Việt Nam.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vướng chính sách visa
Tại diễn đàn ông Martin Koerner, đại diện Nhóm Công tác Du lịch cho biết, du lịch là một trong những ngành chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp hơn 9% GDP. Tuy nhiên, một trong những khó khăn đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam là chính sách thị thực phức tạp với nhiều hạn chế.
Hiện tại, chỉ có 24 quốc gia được hưởng chế độ miễn thị thực tối đa 15 ngày còn các quốc gia khác phải xin thị thực điện tử hoặc thị thực nhập cảnh sân bay. Trong khi đó, thời hạn miễn thị thực quá ngắn đối với nhiều du khách muốn khám phá các điểm tham quan đa dạng của Việt Nam khi quy trình cấp thị thực điện tử và thị thực nhập cảnh sân bay có thể tốn thời gian và bất tiện.
Ông Martin Koerner, đại diện Nhóm Công tác Du lịch
Vì vậy, để đơn giản hóa quy trình và thu hút nhiều du khách hơn, cần kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày, tăng danh sách các quốc gia được miễn thị thực cho tất cả các quốc gia châu Âu, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ và Canada. Đồng thời, tăng số quốc gia được cấp thị thực điện tử (hiện tại là 80) và cấp thị thực dài hạn 3 - 6 tháng cho những du khách muốn khám phá đất nước trong thời gian lâu hơn, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào phân khúc người cao tuổi có mức chi tiêu cao.
“Những biện pháp này sẽ khuyến khích nhiều khách du lịch chọn Việt Nam làm điểm đến, tăng mức chi tiêu cũng như mức độ hài lòng”, ông Martin Koerner kiến nghị.
Cùng quan điểm, trong văn bản gửi tới VBF 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng kiến nghị gửi lên Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền mở rộng chính sách miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng như có lộ trình rõ ràng và thủ tục công khai, minh bạch để thực thi chính sách này
Cùng với đó, EuroCham cũng khuyến nghị cấp visa miễn thị thực với thời hạn 14 ngày và có thể tăng lên tối đa 21 ngày hoặc cấp visa tại sân bay với phí định trước không quá 20 USD/người đối với Australia và New Zealand.
“Australia, New Zealand cũng như các quốc gia thuộc EU là thị trường tiềm năng, có sức chi lớn (100 - 150 USD/ngày), đối với du lịch Việt Nam. Trong khi đó, sau Covid-19, hành vi của du khách đã thay đổi, họ đi du lịch với tần suất ít hơn nhưng dành nhiều thời gian hơn tại mỗi điểm đến. Do đó, thời gian miễn thị thực thông thường không đủ để phục hồi ngành du lịch”, EuroCham lý giải.
Đáng chú ý, Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham) cũng đồng quan điểm khi đề nghị miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Australia giống như 25 quốc gia đã được miễn thị thực cho du lịch ngắn hạn khi xuất/nhập cảnh và quá cảnh Việt Nam.
“Nhu cầu hồi sinh ngành du lịch, kích hoạt lại lĩnh vực khách sạn là cần thiết để thu hút chi tiêu của khách du lịch, kích thích ngành du lịch đang kiệt quệ”, AusCham nhấn mạnh.
Chính thức đề xuất tăng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày
Phản hồi những kiến nghị của của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công An cho biết, Bộ đang xem xét sửa đổi các quy định về xuất nhập cảnh để phù hợp với bối cảnh mới.
Đại diện Bộ Công An phản hồi kiến nghị về chính sách thị thựcHiện, Bộ Công An đang lấy ý kiến các bộ, ngành Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 với nhiều điểm mới nhằm thu hút khách quốc tế.
Theo đó, Bộ Công An đề xuất sửa đổi quy định về thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần theo đề nghị của người nước ngoài nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam đến 3 tháng (các trường hợp có nhu cầu tiếp tục ở lại trên 3 tháng được xem xét giải quyết theo quy định của Luật hiện hành).
Bên cạnh đó, cần sửa đổi quy định về thời hạn đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày để góp phần thu hút nhiều hơn nữa người nước ngoài là công dân các nước được đơn phương miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam, tạo thuận lợi cho họ có nhiều lựa chọn: Nếu vào ngắn ngày thì nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, dài ngày hơn (90 ngày) thì lựa chọn thị thực điện tử.
Dự thảo cũng đề xuất giao Chính phủ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử trên cơ sở không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
“Việc miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; qua đó tiết kiệm chi phí để thực hiện việc đề nghị cấp thị thực điện tử, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đi lại, du lịch, đầu tư tại Việt Nam”, Bộ Công An khẳng định.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ tăng số quốc gia được miễn visa khi nhập cảnh Việt Nam, kéo dài thời hạn lưu trú với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử (e-visa). Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay thẳng kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đề án cơ cấu lại ngành du lịch, trong đó quan trọng nhất là thị trường khách quốc tế. Khách từ các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày cần được quan tâm khai thác.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, ngành du lịch cần chuyển từ cung cấp cái mình có sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách cần. Du lịch phải phát triển nhanh, bền vững, chuyển từ "du lịch một mùa" sang hấp dẫn du khách quay lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh.
Thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng du lịch cần đa dạng, vừa phát triển loại hình bình dân, vừa có du lịch sang trọng dành cho nhóm thu nhập cao. Việt Nam cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia để thúc đẩy kết nối, thu hút thị trường khách lớn.
VBF là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Những ý kiến và kiến nghị của các nhóm công tác sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và báo cáo Chính phủ tại Phiên cao cấp Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) 2023 với chủ đề “Cộng đồng Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”, diễn ra vào ngày 19/3 tới đây.
Theo lịch trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo.