Trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường xung đột chính trị tại một số quốc gia ngày càng gay gắt, áp lực giá cả và lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; nhu cầu hàng hoá toàn cầu vẫn trong xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi,... đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam, tác động làm giảm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Tính đến 20/6/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt trên 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% (tức giảm 4,3%) so với cùng kỳ năm 2022.
Những tín hiệu tích cực
Đánh giá về kết quả trên, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khi phân tích chi tiết sẽ cho thấy tín hiệu tích cực trong thu hút ĐTNN trong 6 tháng đầu năm 2023.
Thứ nhất, sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đã tăng trở lại, ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5%. Tuy mức tăng còn thấp, nhưng cũng là dấu hiệu tích cực, cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn FDI.
Thứ 2, tốc độ tăng số dự án mới (tăng 71,9%) lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư mới (tăng 31,3%) cho thấy các nhà ĐTNN quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới.
“Trong khi đó, vốn góp mua cổ phần của ĐTNN (chiếm 29,9% tổng vốn đăng ký) tăng mạnh 79% cũng thế hiện các nhà đầu tư đang muốn vào Việt Nam để hoạt đầu tư ngay và luôn.”, ông Hoàng đánh giá.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Những cơ hội mới được mở ra
Cũng theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong thời gian gần đây, Việt Nam luôn được coi là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn nước ngoài (FDI).
Cụ thể, báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI trong mắt các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu, với 36% số người tham gia khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên, trong top 3 hoặc trong top 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ trên phạm vi toàn cầu.
Đặc biệt, sau Hội nghị COP26 và Tuyên bố về cam kết Net Zero của Chính phủ Việt Nam, rất nhiều nhà đầu tư châu Âu đã có sự quan tâm mạnh mẽ đến Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng sạch.
“Trong một khảo sát của các doanh nghiệp của Đức, có 90% doanh nghiệp khẳng định sẽ đầu tư vào Việt Nam dù đang đối mặt với những khó khăn do tác động của kinh tế thế giới; hay đầu năm 2023, Cao ủy của Châu Âu và các Bộ trưởng của Hà Lan đã dẫn hơn 200 doanh nghiệp Hà Lan đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội kinh doanh thông qua 30 hội thảo xúc tiến đầu tư. “, ông Hoàng thông tin.
Còn theo kết quả khảo sát của Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) trong năm 2022, 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh trong 1 - 2 năm tới, tăng 5 điểm so với mức 55% trong cuộc khảo sát năm 2021. Đây cũng là mức cao nhất trong số các nước ASEAN.
“Trên thực tế, có những khu công nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, chỉ cần hoàn thành xong khu công nghiệp thì có đến 70-80% doanh nghiệp sẽ vào luôn vì các doanh nghiệp sẽ đi theo hệ sinh thái của nhau, đi theo cụm, cần khu công nghiệp riêng.”, ông Hoàng chia sẻ.
Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc mới đây, có hơn 200 doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc đi cùng. Sự xuất hiện của đoàn doanh nghiệp hùng hậu, đặc biệt là các tỷ phú hàng đầu Hàn Quốc cùng hơn 90 thỏa thuận, hợp tác đã được ký kết ….hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam.
Sẵn sàng các điều kiện để hút vốn FDI chất lượng
Cũng theo ông Hoàng, trên thực tế, điện tử, bán dẫn, năng lượng và tái tạo… là những ngành mà các NĐTNN đang quan tâm và xem xét đầu tư tại Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực Việt Nam đang tập trung thu hút đầu tư cùng các dự án có công nghệ tiến tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Để thu hút dòng vốn này, thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ ban hành những chính sách để thúc đẩy thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã và đang tìm kiếm các chính sách thích ứng linh hoạt hiệu quả như chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng và nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Cùng với đó. Chính phủ cũng cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan…
“Với những chính sách linh hoạt và quyết tâm cao từ Chính phủ sẽ là điểm nhấn để cho nhà đầu tư quyết định nhanh hơn, nhiều hơn nữa vào Việt Nam trong thời gian tới.”, ông Hoàng kỳ vọng.