Khởi đầu năm 2023, giá vàng lên cao nhất trong vòng hơn 6 tháng, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ giảm, nhà đầu tư đánh giá lại về triển vọng của việc Fed nâng lãi suất cơ bản đồng USD. Các đợt nâng lãi suất của Fed không khỏi cản trở đà tăng của giá vàng trong năm ngoái.
Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 0,8% lên 1.838,56USD/ounce sau khi chạm ngưỡng cao nhất tính từ ngày 17/6/2022 là 1.849,89USD/ounce.
Trong bối cảnh kinh tế chuẩn bị bước vào suy thoái, những bất ổn liên quan đến việc Fed nâng lãi suất cơ bản đồng USD và rủi ro địa chính trị leo thang, nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng thì vàng có thể được coi như loại tài sản hấp dẫn, chuyên gia phân tích tại OANDA – ông Edward Moya phân tích.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm rơi xuống mức thấp nhất trong gần 1 tuần, chính vì vậy nó làm giảm sức hút của việc nắm giữ tài sản không mang lại lợi suất. Chỉ số đồng USD tăng 1%.
Thị trường giờ đây đang dồn sự chú ý vào biên bản cuộc họp chính sách của Fed dự kiến công bố ngày 13 và 14/12/2022 cũng như nhiều số liệu kinh tế được công bố trong tuần này.
Nếu biên bản mới nhất cho thấy rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ đang cân nhắc đến việc hãm tốc độ nâng lãi suất và chấm dứt chu kỳ siết chặt chính sách, sẽ hoàn toàn có khả năng giá vàng tăng, chuyên gia phân tích cao cấp tại ActivTrades – ông Ricardo Evangelista dự báo.
Dù rằng vàng vốn được coi như công cụ ngừa rủi ro trong bối cảnh bất ổn kinh tế leo thang, dường như vàng thường mất đi sức hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất cao.
Giá dầu sụt 4% trong phiên giao dịch đầy biến động vào ngày thứ Ba, giá dầu chịu áp lực bởi thông tin về nhu cầu yếu từ Trung Quốc, triển vọng kinh tế toàn cầu u ám và đồng USD tăng giá.
Đóng cửa phiên giao dịch mới đây trên thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 3/2022 giảm 3,81USD/thùng tương đương 4,4% xuống 82,10USD/thùng và như vậy ghi nhận phiên giảm sâu nhất trong 3 tháng.
Đóng cửa phiên giao dịch trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai hạ 3,33USD/thùng tương đương 4,1% xuống 76,93USD/thùng và như vậy ghi nhận mức hạ sâu nhất trong hơn 1 tháng.
“Hiện đang có quá nhiều mối lo ở đây bao gồm tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc và nỗi sợ suy thoái trong tương lai gần đang gây sức ép lên thị trường”, chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Mizuho – ông Robert Yawger chỉ ra.
Chính phủ Trung Quốc đã nâng hạn mức xuất khẩu của các sản phẩm dầu trong động thái chính sách đầu tiên của năm 2023. Các nhà kinh doanh dầu Trung Quốc cho rằng sự điều chỉnh này có nguyên nhân trực tiếp từ việc giới chức Trung Quốc dự báo về khả năng nhu cầu ở mức thấp khi mà nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này đang đương đầu với tình trạng lây nhiễm COVID-19 ở mức cao.
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc sụt giảm mạnh trong tháng 12/2022 khi mà tình trạng lây nhiễm COVID-19 tăng cao gây gián đoạn sản xuất và tạo ra sức ép lên nhu cầu sau khi giới chức Bắc Kinh loại bỏ đi các biện pháp kiểm soát virus.
Triển vọng kinh tế toàn cầu hiện đang đón nhận thêm nhiều thông tin bi quan hơn, giám đốc điều hành IMF – bà Kristalina Georgieva vào ngày Chủ Nhật nhận định rằng nền kinh tế của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều đang chững lại đáng kể, chính vì vậy triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ khó khăn hơn năm 2022.