Trong báo cáo phân tích vĩ mô mới công bố, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán BSC cho biết, giá trị đồng USD bắt đầu giảm kể từ tháng 11/2022 khi lạm phát tại Mỹ liên tục cho thấy sự hạ nhiệt, FED giảm dần mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Song song, giá trị đồng VND trên đà hồi phục trở lại và tiếp tục tăng trong tháng 1/2023. Tính đến 31/1/2023, đồng VND đã tăng 2,73 % so với thời điểm cuối năm 2021, thu hẹp từ mức giảm 9,17 % cuối tháng 9/2022 .
Đáng chú ý, theo cập nhật từ công ty chứng khoán này, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mua vào ngoại tệ kể từ tháng 1/2023 và tính riêng trong tháng 1 đã mua thêm 2,78 tỷ USD. Theo đó, dự trữ ngoại hối hiện tại đạt khoảng 91,78 tỷ USD.
Còn nhìn theo yếu tố mùa vụ, nguồn cung ngoại tệ cũng tiếp tục trạng thái tích cực, như kiều hối, dòng vốn FDI giải ngân (1,35 tỷ USD), FII (dòng vốn vào ròng vào thị trường cổ phiếu Việt nam tháng thứ 4 liên tiếp) hay cán cân thương mại thăng dư lớn (ước tính 3,6 tỷ USD).
Cập nhật sang đầu tháng 2, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu có những biến động khá mạnh, đặc biệt là phiên ngày 6/2, với việc tăng mạnh tới 36 đồng so với phiên liền trước, lên 23.482 VND/USD, đã vượt xa so với giá mua vào của NHNN (23.450 VND/USD).
Tỷ giá này sau đó tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh ở các phiên sau đó và hiện đang ở quanh mốc 23.580 VND/USD. Điều này cũng có nghĩa Nhà điều hành phải tạm thời dừng việc mua vào được ngoại tệ.
Tỷ giá liên ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tiếp tục duy trì đà tăng khi thị trường nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất lên trên 5% và giữ ở đó để kiềm chế lạm phát sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh.
Theo dữ liệu của CME Group, xác suất tăng lãi suất lên 0,25 điểm phần trăm vào ngày 21-22/3 là 95% thay vì 83% như dự đoán trước đó.