Dứa là loại trái cây rất dễ mua ở nhiều khu vực nhiệt đới, đặc biệt là Việt Nam với mức giá chỉ khoảng 5.000 đồng/quả.
Tuy nhiên, tờ Telegraph (Anh) cho hay, năm 2012, một quả dứa đã ghi tên mình vào danh sách các loại trái cây đắt nhất thế giới khi trị giá 10.000 bảng Anh (gần 350 triệu đồng, theo tỷ giá thời điểm đó). Đây là loại dứa được trồng ở Trung tâm Nghiên cứu Thực vật Lost Gardens of Heligan tại Cornwall (Anh). Vì sao dứa ở đây lại đắt như vậy?
Biểu tượng "sang chảnh"
Kể từ khi có mặt tại Anh, dứa chiếm lĩnh ngôi vị “vua trái cây”. Vẻ ngoài kỳ lạ mà sang trọng của quả dứa được gắn phẩm chất hoàng gia, biến thành biểu tượng vương quyền.
Suốt 2 thế kỷ (XVI – XVII), quả dứa giá trị ngang cục vàng. Muốn sở hữu 1 quả, giới quý tộc Anh phải tiêu tốn 5 – 10 nghìn bảng (tương đương 152 - 304 triệu đồng).
Về mùi vị của dứa, nhà thực vật hoàng gia John Parkinson (1567 – 1650) còn miêu tả “rất thơm và ngọt, như sự tổng hòa hương vị giữa rượu vang và nước hoa hồng”.
Vì quá đắt đỏ và quý hiếm, quý tộc Anh không nỡ (hoặc không dám) ăn mà chỉ để trưng bày, thể hiện sự sang trọng, giàu có.
Đầu tiên, dứa được trưng trên bàn tiệc họp mặt của giới thượng lưu. Người ta bổ ngang quả dứa, xếp úp mặt cắt của nửa đầu xuống để trưng phần vương miện và đặt ngang nửa đuôi, khoe thịt quả.
Tiếp theo, dứa được diện trên người như phụ kiện trang phục. Các quý ông Anh quốc đi dạo với quả dứa trên tay. Nếu so với phong cách thời trang ngày nay, quả dứa ngang với túi xách hàng hiệu hoặc xe hơi đắt tiền.
Khi “ôm dứa khoe giàu” thành trào lưu, thị trường Anh cận đại bùng nổ cho thuê dứa theo giờ. Các quý tộc không đủ tiền mua đứt quả dứa có thể thuê cho đỡ tốn. Nhờ họ, 1 quả dứa có thể qua tay nhiều người, có mặt tại nhiều bữa tiệc.
Cuối cùng, hình vẽ dứa áp đảo các huy hiệu. Nó được chạm khắc lên từ nút chai đến mái nhà, toa tàu, kiến trúc tôn giáo... Thế kỷ XVIII, mọi thứ thơm ngon nhất đều được quảng cáo “có mùi vị như dứa”. Người Anh đặt cho dứa biệt danh “chảnh” nhất: King Pine (dứa vua).
Nỗ lực tự trồng
Khi xuất – nhập khẩu ngày nay cho phép mua dứa với giá rẻ, người Anh vẫn cố tự trồng, mặc cho chi phí là vô cùng đắt đỏ.
Vì loại trái cây nhiệt đới này thường được trồng ở những vùng có khí hậu ấm áp nên những người làm vườn ở Anh phải sử dụng các kỹ thuật truyền thống của thời Victoria để trồng. Quả được trồng trong rãnh sâu 1,2m bên trong hố dứa dài 12m. Sau đó, nó được chôn dưới 30 tấn phân và thường xuyên ngâm trong nước tiểu ngựa.
Việc kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình trồng dứa đều rất quan trọng, đặc biệt là không được tưới quá nhiều nước cho cây. Thường xuyên thay phân ngựa tươi là điều cần thiết để duy trì nhiệt độ khi trời lạnh.
Chi phí sức lao động, vận chuyển phân bón, bảo dưỡng hố dứa… khiến mỗi quả dứa tại Lost Gardens of Heligan có tổng chi phí trồng lên tới 1.200 bảng Anh (36,5 triệu đồng). Khoảng 90 tấn phân bón ngựa sẽ được sử dụng trong suốt cả năm, nguồn cung cấp và vận chuyển không hề rẻ. Vào thời điểm không tìm được phân bón ngựa chất lượng cao, trung tâm sẽ buộc phải sử dụng lò sưởi điện.
Theo Lost Gardens of Heligan, họ không bán dứa để phục vụ tiêu dùng mà thường đưa đi bán đấu giá. Được thưởng thức loại dứa này sẽ là "cơ hội ngàn năm có một".
Ông James Stephens, đại diện phát ngôn của Lost Gardens of Heligan cho hay, những quả dứa trồng tại đây có vị "ngọt, không dai và có hương vị bùng nổ. Bất cứ ai thưởng thức loại dứa này đều sẽ thốt không nên lời bởi hương vị tuyệt vời của chúng. Họ sẽ phải cảm ơn những người đã làm việc vất vả để có được một loại quả ngon ngọt đến vậy".
"Chỉ các nhân viên tại Lost Gardens of Heligan mới được nếm thử những quả dứa ở đây như một lời cảm ơn vì đã làm việc chăm chỉ.
"Có thể mất từ 1 đến 2 năm để trồng được một trái dứa. Với những điểm đặc biệt trong khâu trồng trọt, dứa ở Lost Gardens of Heligan có thể có giá lên tới 10.000 bảng Anh trong cuộc đấu giá",ông Stephen nói.