Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo gửi Bộ trưởng Bộ GTVT thông báo ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về đề xuất của Bộ GTVT thành lập tổ công tác xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia.
Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng ban, 3 Bộ trưởng của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm Phó trưởng ban.
Các Ủy viên là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ trưởng các bộ, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội.
Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo không quá 15 người, bao gồm các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực GTVT đường sắt.
Trước đó, tháng 2/2019, Bộ GTVT trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP.HCM. Đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h. Trên tuyến có 20 ga hành khách, đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán. Tổng mức đầu tư 64 tỷ USD.
Cuối năm 2022, tư vấn thẩm tra nêu một số nhược điểm nếu đầu tư đường sắt tốc độ cao 350 km/h và kiến nghị phương án tuyến đường sắt vừa chở khách, vừa chở hàng tốc độ khai thác 225 km/h cho tàu khách, 160 km/h cho tàu hàng. Trên tuyến có 50 ga hành khách và 20 ga hàng hóa. Tổng mức đầu tư 61 tỷ USD.
Theo Bộ GTVT, dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn.
Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định. Bộ cũng tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như châu Âu, Trung Quốc. Bộ sẽ huy động tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025.