Việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian qua, bởi thị trường này nắm giữ nguồn vốn rất lớn cho nền kinh tế. Mỗi biến động, dù là nhỏ của thị trường, cũng có tác động không nhỏ tới nền kinh tế.
Nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứng kiến "cú sốc" tâm lý lan rộng khi nhiều vụ việc liên quan đến trái phiếu bị các cơ quan chức năng xử lý. Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro.
Tại Tọa đàm "Ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường trái phiếu" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28/5, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn hiện đang vướng phải. Ông nhấn mạnh vai trò của trái phiếu là kênh huy động nguồn vốn đặc biệt quan trọng, không chỉ cho doanh nghiệp mà cả Chính phủ.
Chia sẻ kinh nghiệm thế giới, TS. Vũ Minh Khương cho biết, trái phiếu phát hành 3 loại. Một là phải mua bảo hiểm. Dạng thứ hai là phát hành trái phiếu nhưng có bảo lãnh. Loại trái phiếu thứ ba là loại hoàn toàn không có bảo lãnh, không bảo hiểm thì phải ít nhất có hai công ty đánh giá kinh nghiệm, năng lực, thẩm định để giúp người dân yên tâm.
Nhìn lại thị trường trái phiếu Việt Nam vừa qua, TS. Vũ Minh Khương cho biết: "Lãi suất phát hành trái phiếu của Việt Nam quá cao trong bối cảnh đồng tiền Việt Nam ổn định so với USD, điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp khó. Ví dụ vừa rồi lãi suất 13% so với thế giới là rất cao, như vậy là rất khó. Nếu dùng đòn bẩy quá cao, tức là hầu hết dựa vào trái phiếu, để đầu tư xây dựng thì lại càng khó nữa vì lãi suất cao sẽ dễ làm lỗ. Do đó, cần có khảo sát, giúp đỡ họ thật kỹ".
TS. Vũ Minh Khương đề xuất cần có 3 tuyến phòng vệ trong vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp để tránh vấn đề hình sự. Tuyến phòng vệ thứ nhất là các lãnh đạo doanh nghiệp khi chuẩn bị cần hiểu thật kỹ về quản trị doanh nghiệp. Tuyến phòng vệ thứ hai là bảo đảm vấn đề pháp lý, phản ứng cứu hộ. Tuyến phòng vệ thứ ba là cần kiểm toán hằng năm đề đánh giá, bởi tình hình kinh tế biến đổi rất nhanh, do đó cần cập nhật các ý kiến kiến nghị thường xuyên, liên tục.
Có thể nhìn thấy, một số quốc gia không chú ý đầu tư nâng cấp hệ sinh thái cho trái phiếu nên khó phát triển, ví dụ như Indonesia hay Philippines vẫn quanh quẩn 30 USD cho doanh nghiệp trái phiếu. Chỉ mức đó thì khó tiến lên được, trong khi ở Hàn Quốc, họ có thể phát hành cả nghìn tỷ USD.
"Nói chung, xây dựng một nền tảng cho hệ thống tài chính lành mạnh cho tương lai của Việt Nam là vấn đề rất cấp bách", TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, thị trường trái phiếu không phải là một thị trường mua bán hàng hóa thông thường. Trái phiếu là một thị trường tài chính, đòi hỏi những người tham gia vào phải có năng lực và phải có một môi trường pháp lý để tạo ra một hệ sinh thái.
Việc đầu tiên là phải có một khuôn khổ pháp lý để quản lý, hỗ trợ, giám sát.
Thứ hai là bản thân những người tham gia thị trường, kể cả những người phát hành trái phiếu như là doanh nghiệp, cũng phải thấy được việc phải tuân thủ ra sao, có thể gặp phải những rủi ro như thế nào? Khách hàng tham gia và mua trên thị trường này cũng phải có được năng lực đó.
Theo GS.TS, Hoàng Văn Cường, hiện nhiều doanh nghiệp năng lực tốt cũng khó huy động qua phát hành trái phiếu. Doanh nghiệp yếu không có nguồn tiền trả lãi trái phiếu khi đáo hạn. Những yếu tố này, theo ông, tạo ra sức ép lớn cho nhiều doanh nghiệp và thị trường trái phiếu chưa thể khởi sắc ngay.
Cùng nói về giải pháp gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, bên cạnh yếu tố quan trọng nhất là ổn định vĩ mô, phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu, kịp thời giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư có công cụ pháp lý để giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt.
Theo Thứ trưởng, Nghị định 65 và Nghị định 08 của Chính phủ đã kịp thời giúp các doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư có điều kiện và công cụ pháp lý, có thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản đảm bảo, và giải quyết những vấn đề khác liên quan… Việc tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản cũng giúp hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ổn định trở lại và phát triển bền vững.
Đến nay đã có 15 doanh nghiệp phát hành được 26.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Trong khi cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được.
"Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tác động chính sách giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường", ông Chi nói.
Ngoài ra, sau Nghị định 08, đã có 16 doanh nghiệp đã đàm phán với các nhà đầu tư để giải quyết khối lượng trái phiếu tổng trị giá gần 8.000 tỷ đồng như Tập đoàn địa ốc Bulova, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land…
Một giải pháp nữa theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi là Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách giãn nợ, chuyển nhóm nợ của các doanh nghiệp, rồi giảm lãi suất, giãn thuế, giảm thuế… Ông Chi cho rằng, những giải pháp này sẽ tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ổn định trở lại và phát triển bền vững.
Ngoài ra cần tăng cường giám sát, kiểm tra, thậm chí thanh tra để đảm bảo thị trường này minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật.
"Chúng ta vẫn phải tiếp tục làm và làm tốt hơn, thậm chí phải đào tạo cho thị trường một bản lĩnh vững vàng. Tất cả các chủ thể khi tham gia thị trường là đón nhận lợi ích và chia sẻ rủi ro, khi đó chúng ta có một thị trường trái phiếu thực sự phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh các kênh dẫn vốn khác, nó sẽ giúp nền kinh tế đồng bộ và phát triển một cách hiệu quả", ông Chi nhấn mạnh.