Trong số đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14.793 tỷ đồng, tăng 3,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng 16.109 tỷ đồng, tăng 14,4%; khu vực dịch vụ 16.740 tỷ đồng, tăng 8,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 1.994 tỷ đồng, tăng 1,6%.
GRDP năm 2022 của Bình Phước tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhờ sự phục hồi và phát triển mạnh ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao (tăng 15,9%) đóng góp 4 điểm phần trăm vào GRDP.
Tuy nhiên, Cục Thống kê Bình Phước đánh giá khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,1%, chỉ đóng góp 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, thấp hơn 3,4% so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 tăng 6,6%).
Nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp năm nay tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, theo Cục Thống kê Bình Phước, là do mưa trái mùa nhiều, trong lúc điều ra hoa ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng hạt điều. Ngoài ra, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn còn tiềm ẩn có nguy cơ bùng phát; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã tác động đến ngành nông nghiệp.
Bình Phước hiện là địa phương có diện tích canh tác nông nghiệp lớn của cả nước với 448.000 ha. Trong số đó, diện tích cây trồng lâu năm 442.000 ha, diện tích cây hàng năm 26.000 ha.
Riêng 4 loại cây trồng chủ lực của Bình Phước gồm điều, cao su, hồ tiêu và cà phê chiếm hơn 427.700ha, diện tích trồng cây cao su 248.000 ha; cây điều là 151.900 ha; cây cà phê 13.900 ha; cây hồ tiêu hiện có 13.800 ha.
Riêng cây điều của Bình Phước chiếm hơn 50% diện tích và hơn 50% sản lượng điều của cả nước. Niên vụ 2021 – 2022 kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Bình Phước đạt hơn 1 tỷ USD, chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Bình Phước (năm 2022 xuất khẩu của Bình Phước đạt 3,8 tỷ USD).
Trong số 151.900 ha trồng điều, niên vụ 2021 – 2022 Bình Phước có hơn 147.700 ha điều đang cho thu hoạch, năng suất trung bình 11,54 tạ/ha, sản lượng điều đạt 170.500 tấn (niên vụ 2020 – 2021 sản lượng đạt gần 200.000 tấn).
Hiện nay, trên địa bàn Bình Phước có 1.416 cơ sở chế biến hạt điều. Ngành điều của Bình Phước giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn, gồm thu hái điều và làm việc tại các cơ sở chế biến.