Xuất khẩu trái cây là 1 trong 8 ngành hàng xuất khẩu hàng tỷ USD của nông nghiệp Việt Nam.
Trong nhiều năm liền, kết quả xuất khẩu trái cây luôn vượt con số 3,6 tỷ USD, tạo nên một thế cạnh tranh mới trên thị trường xuất nhập khẩu rau quả thế giới. Tuy nhiên, trong năm 2022, tình hình dịch COVID-19 tác động trực diện vào ngành hàng này, khiến cho kết quả xuất khẩu chững lại và có dấu hiệu sụt giảm so với năm trước.
Dịch bệnh tăng rào cản
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2022 ước đạt 3,3 tỷ USD, giảm 5,68% so với năm 2021. Trong khi đó, nhập khẩu trái cây vào thị trường Việt Nam lại có dấu hiệu tăng lên hơn 2 tỷ USD, làm cho cán cân giao dịch trái cây, rau quả của thị trường nội địa chênh lệch rõ.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết hiện trái cây Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được người tiêu dùng nước sở tại đón nhận. Tổng giá trị trái cây tươi giao dịch trên toàn cầu lên đến 240 tỷ USD/năm, sản phẩm chế biến từ trái cây khoảng 270 tỷ USD/năm. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trung bình mỗi năm của Việt Nam chỉ chiếm 1% nhu cầu toàn cầu.
Điều đó cho thấy dư địa cho ngành trái cây tăng kim ngạch xuất khẩu còn khá lớn. Những thị trường nhập khẩu trái cây Việt Nam đứng top đầu là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu; trong đó, lớn nhất vẫn là thị trường Trung Quốc.
Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chiếm hơn 43% thị phần, đứng đầu trong các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra mạnh mẽ tại Trung Quốc trong năm 2022, nên Trung Quốc áp dụng chính sách "Không COVID" khiến xuất khẩu chính ngạch, tiểu ngạch đều bị gián đoạn.
Điều này cũng khiến cho xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh, ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2022. Chỉ từ tháng 10/2022 trở về gần đây, Trung Quốc nới lỏng chính sách "Không COVID," nên xuất khẩu rau quả sang thị trường này mới tăng trở lại.
Thời điểm cuối năm 2022, thị trường Trung Quốc sẽ tăng tiêu thụ rau quả cho dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng rau quả, trái cây khá lớn.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ yêu cầu của người tiêu dùng hiện nay rất khắt khe, nhiều tiêu chí, chú ý đến truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Việc xuất khẩu phải gắn với vùng trồng, gắn với cơ sở đóng gói. Mỗi vùng trồng đều gắn với sản lượng và diện tích, nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu.
Cùng với đó, việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan. Gần đây nhất là Trung Quốc đã chấp thuận trái sầu riêng Việt Nam thâm nhập vào thị trường này bằng đường chính ngạch. Như vậy, thêm một loại trái cây được cấp “visa” thông hành tại thị trường này một cách minh bạch, nâng tổng số loại trái cây Việt Nam được thông quan chính ngạch sang Trung Quốc lên 9 loại trái cây, góp phần nâng cao giá trị trái sầu riêng nói riêng, trái cây Việt Nam nói chung.
Song song với xuất khẩu rau quả, trái cây, việc nhập khẩu rau quả, trái cây từ nước ngoài về Việt Nam cũng tăng khá mạnh trong năm 2022. Theo thống kê Hải quan Việt Nam, nhập khẩu rau quả năm 2022 đạt 2,08 tỷ USD, khiến thặng dư thương mại của ngành hàng này bị kéo xuống chỉ còn 1,24 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu rau quả trong năm 2021 chỉ 1,45 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt hơn 2 tỷ USD.
Tăng giá trị
Thị trường thế giới luôn có nhiều biến động, diễn biến dịch bệnh, an toàn môi trường cũng luôn tạo ra những thế khó cho nhà sản xuất, doanh nghiệp hoạt động chế biến, xuất khẩu. Điển hình là biến động dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu rau quả, trái cây Việt Nam. Chỉ một thị trường Trung Quốc, chiếm vị trí lớn hàng đầu xuất khẩu rau quả đã tác động trực diện đến kết quả xuất khẩu năm nay. Chính vì vậy, để có thể ổn định hơn trong sản xuất và xuất khẩu, các doanh nghiệp luôn tìm nhiều giải pháp hỗ trợ, để ứng phó kịp thời trong tình huống khó khăn nhất cho xuất khẩu.
Xe vận chuyển lô bưởi đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sản lượng rau quả, trái cây Việt Nam hàng năm ước đạt 31 triệu tấn, ngoài việc cung ứng cho nhu cầu thị trường nội địa, nguồn hàng này còn phục vụ cho xuất khẩu. Nhưng mặt hàng này là mặt hàng "khó tính," không có thời gian bảo quản tươi lâu nên dẫn đến tỷ lệ hư hao cao, chất lượng kém khi để lâu, vì vậy mà giá trị cũng sẽ giảm. Hiện nay, xuất khẩu rau quả, trái cây tươi chiếm 76%, hoạt động chế biến chỉ mới chiếm 12% đến 17%. Đây là một con số thấp để bảo chứng cho chất lượng rau quả, trái cây Việt Nam sau khi thu hoạch.
Chính vì sự nhỏ lẻ, yếu kém này mới khiến ngành hàng rau quả, trái cây Việt Nam trở nên bị động khi thị trường nhập khẩu gặp trở ngại bởi dịch bệnh và thiên tai. Ông Ngô Quang Tú, Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ muốn nâng cao chất lượng rau quả, trái cây, chính các doanh nghiệp và hợp tác xã phải có sự đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch, tùy vào năng lực của từng đơn vị.
Hiện nay, cả nước có 157 nhà máy chế biến trái cây quy mô lớn, hơn 5.700 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình. Trong trường hợp các doanh nghiệp chưa thể đầu tư nhà máy quy mô lớn, thì cũng có thể đầu tư quy mô nhỏ hoặc hợp tác liên kết với nhiều đơn vị chế biến quy mô nhỏ. Như vậy mới giúp nâng dần công nghệ chế biến, giữ chất lượng rau quả, trái cây được lâu hơn sau thu hoạch.
Theo Phó Giáo-Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, có 4 nhóm sản phẩm chế biến phù hợp với quy mô nhỏ và vừa là trái cây sấy khô, trái cây đông lạnh, trái cây đóng hộp, nước trái cây. Các công nghệ phù hợp trong chế biến rau quả mà các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ nên đầu tư như sấy nhiệt, sấy thăng hoa, cấp đông, muối chua…
Bằng những giải pháp công nghệ này, chất lượng trái cây, rau quả mới được giữ lâu, từ đó mới giữ được giá trị, cho dù thời gian giao thương kéo dài hơn. Có như vậy, ngành hàng trái cây mới có thể ổn định xuất khẩu trước những biến động bất ngờ của thế giới.