Tổng cục Thuế vừa phát đi thông tin chính thức về tình hình thực hiện công tác thuế tháng 3 và quý 1 năm 2023, trong đó cung cấp một số thông tin chi tiết về công tác thu ngân sách, quản lý thuế nói chung và quản lý thuế đối với thương mại điện tử trong giai đoạn.
Theo cơ quan thuế, tổng thu NSNN quý 1 năm 2023 do ngành thuế quản lý ước đạt 426.922 tỷ đồng, bằng 31,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 104,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 411.418 tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 28%); 08/20 khoản thu đạt dưới mức 28%.
Bên cạnh 11 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ thì 9/20 khoản thu, sắc thuế khác có số thu thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường bằng 41%; Lệ phí trước bạ bằng 85,4%; Thu tiền sử dụng đất bằng 48,4%; Thu tiền cho thuê đất bằng 30,2%...).
Xét theo địa phương, có 28/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán khá (trên 28%); 14/63 địa phương đảm bảo tiến độ thu (25-28%). Trong số 21 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 25%) thì có một số địa phương có tiến độ thu rất chậm (dưới 20% dự toán), được Tổng cục Thuế nêu đích danh là: Tuyên Quang, Phú Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Phước, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La.
Số thu từ các nhà cung cấp nước ngoài qua Cổng thông tin tăng mạnh
Thông tin về hoạt động của Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), Tổng cục Thuế cho biết đã có 49 NCCNN đăng ký, khai và nộp thuế qua Cổng này.
Theo đó, lũy kế từ khi vận hành Cổng thông tin (ngày 21/3/2022) đến nay, cơ quan thuế đã thu được 3.700 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ riêng số thu trong ba tháng đầu năm 2023 đã đạt 1.852 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng số thu lũy kế.
Theo thống kê, hiện tại Việt Nam có 6 các NCCNN lớn là Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple. 6 doanh nghiệp này chiếm tới 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam; và đều đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.
Lễ công bố, vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và công bố triển khai Ứng dụng eTax Mobile ngày 21/3/2022.Đối với Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử trong nước, Tổng cục Thuế đánh giá hệ thống đến nay vận hành ổn định, tiếp nhận dữ liệu kê khai từ các sàn thương mại điện tử gửi cơ quan thuế.
Tính đến cuối quý 1, đã có 285 tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin qua Cổng thông tin, xác định 53.585 cá nhân và 16.003 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn. Với hơn 15,91 triệu lượt giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên sàn ước tính khoảng 5.500 tỷ đồng.
Trong các sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin có một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo... với tần suất theo quý. Theo quy định, các doanh nghiệp - nền tảng này phải cung cấp thông tin cho ngành thuế bao gồm thông tin chung (tên, MST/ĐKKD/CCCD), thông tin liên hệ (email, số điện thoại), địa chỉ kinh doanh, địa chỉ thường trú, nhóm ngành hàng dịch vụ kinh doanh, tài khoản ngân hàng.
Như trên, dựa vào cơ sở thông tin do sàn cung cấp, cơ quan thuế sẽ khai thác thông tin về hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và thực hiện rà soát đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế hoặc điều chỉnh doanh thu nếu chưa phù hợp.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, thời gian tới, một trong những nhiệm vụ được ngành thuế đặt ra là tiếp tục triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách Nhà nước.