Theo dự kiến, vào sáng ngày 6/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội trước nhiều vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội...
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Đề cập đến vấn đề "nóng" hiện nay khi hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm chỉ trong vài tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, diễn biến cuối tháng 4 và tháng 5 về sản xuất kinh doanh đã kéo theo vấn đề lao động, việc làm có diễn biến khó khăn hơn.
Phân tích rõ hơn nguyên nhân, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm... khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho không xuất được, không có đơn hàng mới.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh được, một số thị trường lớn của Việt Nam đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hóa, và có sự thay đổi quan điểm thị hiếu của người tiêu dùng nên các doanh nghiệp gặp khó để sắp xếp lại hoạt động sản xuất, trong khi, sau đại dịch COVID-19 nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp không còn đủ để thực hiện.
"Việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.
Từ thực tế trên, nêu các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tạo việc làm cho người lao động hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.
Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động.
Triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp.
Thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp cần tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng...
Đồng thời, thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động…
Báo cáo xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế cho biết, quý 1/2023, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là hơn 8.600 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp), trong đó, 27,4% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 72,18% doanh nghiệp ngoài nhà nước; 0,39% doanh nghiệp nhà nước.
Xét theo vùng, có 66,75% doanh nghiệp thuộc vùng Đông Nam Bộ; 12,4% doanh nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng; 7,75% doanh nghiệp thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; còn lại rải rác ở các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Doanh nghiệp gặp khó khăn là những doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử,…
Những tháng đầu năm, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp), trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng).
Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TP.HCM (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người).
Số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25% lao động bị ảnh hưởng). Ngoài ra, có hơn 17.000 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng).
Nhóm lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ) bị thôi việc, mất việc nhiều nhất với tỷ lệ 68%. Đáng chú ý, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất (49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất).