Khảo sát đầu giờ sáng nay (1/10), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 65,2 – 66,2 triệu đồng/lượng, tăng 450 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần trước, mỗi lượng vàng SJC đã giảm 600 nghìn đồng, tương đương 0,91% giá trị.
Tương tự, giá vàng DOJI bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng mạnh 700 nghìn đồng/lượng ở mỗi chiều, đang niêm yết ở mức 65,4 – 66,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần trước, mỗi lượng vàng tại doanh nghiệp này đã giảm 350 nghìn đồng, tương đương 0,53% giá trị.
Trên thị trường thế giới, giá kim loại quý không có nhiều biến động. Hiện giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.661,1 USD/ounce, tăng 0,7 USD, tương đương 0,04% so với chốt phiên trước.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 48,05 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 17,15 triệu đồng/lượng.
Biểu đồ: KitcoGiá vàng thế giới không có nhiều biến động trong bối cảnh Mỹ công bố các dữ liệu liên quan đến lạm phát tăng cao. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ công bố PCE cốt lõi (chỉ số giá chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân) bỏ qua chi phí thực phẩm và năng lượng đã tăng 4,9%, cao hơn 0,2 điểm % so với dự báo là 4,7%. Thông tin này cho thấy từ tháng 3/2022 đến nay, sau 5 lần tăng lãi suất cơ bản từ 0% -0,25% lên 3% -3,25%, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa thể hạ nhiệt lạm phát.
Vàng đã không còn là một biện pháp phòng ngừa lạm phát trong năm 2022 khi giá tiêu dùng cao hơn buộc Fed phải tăng lãi suất một cách quyết liệt, điều này đã đẩy lợi suất thực tế vào vùng dương. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã nói rằng tâm lý trên thị trường vàng có thể từ từ thay đổi vì chính sách tiền tệ của Fed có thể gần đến điểm giới hạn.