Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) vừa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt 28.408 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,6% so với năm 2022. Trong khi đó, giá vốn bán hàng tăng 4,7%, lên 28.167 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp về bán hàng của doanh nghiệp chỉ đạt gần 242 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ.
Dù vậy, nhờ được hoàn nhập gần 11 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư, SJC lãi 12,6 tỷ đồng trong hoạt động tài chính trong khi năm 2022, doanh nghiệp lỗ gần 37 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng được tiết giảm xuống mức 52 tỷ đồng, so với mức hơn 54 tỷ đồng trong năm 2022.
Theo đó, kết thúc năm 2023, SJC ghi nhận lợi nhuận trước thuế 87,5 tỷ đồng, tăng 27,2% so với kết quả đạt được trong năm trước.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản SJC ở mức ở 1.898 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2022. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng tới 88,7% với gần 1.683 tỷ đồng với hàng tồn kho ở mức 1.363 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền là gần 236 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn 77,6 tỷ đồng,..
Trong báo cáo tài chính, Công ty TNHN Kiểm toán và Tư vấn A&C cho biết, SJC đã thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (gần 84 tỷ đồng) dựa trên cơ sở ước tính giá trị hàng hóa có thể thu hồi theo Biên bản lập dự phòng giảm giá Hàng tồn kho đối với vàng và hàng nữ trang tại ngày 31 tháng 12 năm 2023 do công ty tự đánh giá. Với những tài liệu hiện tại SJC cung cấp, Công ty kiểm toán A&C không có cơ sở để xác định tính đúng đắn của khoản dự phòng giảm giá này với số tiền lũy kế đến ngày 31 tháng 12 năm 2023 là hơn 83,9 tỷ đồng (số liệu lũy kế đến ngày 31 tháng 12 năm 2022 là 25,9 tỷ đồng), số tiền hoàn nhập dự phòng trong năm 2023 là 10,7 tỷ đồng và số trích dự phòng bổ sung trong năm 2023 là 68,8 tỷ đồng.
Do vậy, công ty kiểm toán này cho biết không đủ cơ sở để xác định ảnh hưởng (nếu có) của vấn đề trên đến Bảng cân đối kế toán cũng như Báo cáo kết quả kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2023.
Đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của SJC đạt mức 1.578,4 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm trước. Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức gần 320 tỷ đồng, tăng 64,1% so với cuối năm 2022, trong đó, nợ ngắn hạn ở mức 302 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94% tổng nợ phải trả.
Báo cáo mục tiêu tổng quát về kế hoạch kinh doanh năm 2024 lên UBND TP.HCM, SJC dự kiến doanh thu giảm 1% so với năm 2023, xuống còn 30.145 tỷ đồng.
Cụ thể, SJC đặt kế hoạch chỉ tiêu sản lượng chính như vàng miếng (gia công và dập SJC móp) là 31.692 lượng, nữ trang 444.912 món.
Tổng doanh thu của công ty là 30.145 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 92,77 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 70,22 tỷ đồng, thuế và các khoản phải nộp nhà nước là 93,6 tỷ đồng.
Với kế hoạch dự kiến này, sản lượng chính thấp hơn so với con số kế hoạch năm ngoái ở mức 36.158 lượng vàng miếng và 568.578 món nữ trang, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của công ty tăng thêm 9,27 tỷ đồng.
Lãnh đạo SJC cho biết, năm nay, doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang, phát triển thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về kinh doanh nữ trang và mở rộng thị trường sang khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, công ty dự kiến ra mắt những sản phẩm mới như đồ thủ công mỹ nghệ, đồng hồ, kính mắt và kết hợp với các công ty du lịch lữ hành áp dụng mô hình kinh doanh mới để mở rộng chuỗi sản phẩm thương hiệu SJC.