Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, từ giữa tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo quyết định khởi động lại đấu thầu vàng sau hơn 10 năm tạm dừng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường.
Tuy nhiên, từ khi bắt đầu triển khai đấu thầu hôm 22/4 đến nay, sau 5 phiên tổ chức, giá vàng miếng SJC không những không có dấu hiệu “hạ nhiệt” mà còn liên tục lập đỉnh mới.
Đến 15h chiều nay, giá vàng miếng SJC đã lên tới 87,2 triệu đồng/lượng chiều mua và 89,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán, tương đương tăng tới hơn 8% chỉ sau hơn 2 tuần Nhà điều hành tổ chức đấu thầu.
Giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giá kim loại quý đang đi xuống khi đồng USD tăng giá trở lại, đồng thời các nhà đầu tư đang tập trung nhiều hơn vào triển vọng cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Hiện, giá vàng thế giới chỉ còn 2.309,9 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 70,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 16,3 triệu đồng/lượng. Đây được nhìn nhận là mức chênh lệch rất cao.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho rằng, việc giá vàng trong nước liên tục tăng, doãng rộng khoảng cách với giá vàng thế giới đến từ hai yếu tố. Thứ nhất, là đã không có bất kỳ thay đổi nào về nguồn cung trong thời gian qua. Thứ hai là có những tác động nhất định của tâm lý người dân.
“Người ta lo ngại rằng, các cuộc đấu thầu này không thành công, và như thế dẫn đến kích hoạt tâm lý tăng giá vàng”, ông Nghĩa nói.
Theo chuyên gia, đấu thầu cũng là một biện pháp để tăng nguồn cung, nhưng biện pháp quan trọng nhất, giải pháp căn cơ giúp giải quyết vấn đề, giúp tăng nguồn cung vàng là cho phép các công ty kinh doanh vàng bạc được nhập khẩu vàng.
“Khi doanh nghiệp được phép nhập khẩu và xuất khẩu vàng, ngay lập tức giá vàng sẽ giảm xuống về sát giá vàng thế giới ngay. Khi đó, Nhà nước sẽ kiểm soát thị trường thông qua công cụ thuế”, TS. Nghĩa nói.
Trên thực tế, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất không phải đề xuất mới, đã được quy định rõ trong Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, hơn 10 năm kể từ khi Nghị định ra đời, NHNN chưa từng nhập khẩu vàng, cũng chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào nhập vàng nguyên liệu.
Bên cạnh việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng, chuyên gia cũng đề xuất Nghị định 24 cần được sửa đổi theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia của SJC, từ đó, chênh lệch giữa giá vàng của SJC và các nhãn hiệu khác cũng sẽ được thu hẹp lại.