Về tiến độ sân bay Long Thành, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa hoàn thành báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo quy định tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 thì diện tích đất thu hồi cho dự án sân bay Long Thành là 5.399,35 ha.
Ủy ban Kinh tế cho biết, theo quy định tại Nghị quyết này “Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021” thì tiến độ triển khai các công việc liên quan đến Dự án là rất chậm.
Đến nay, khu vực xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã thu hồi được 4.703,23 ha/4.946,45 ha, đạt 95,08%. Tiến độ xây dựng các khu tái định cư, các công trình hạ tầng khu tái định cư chưa đáp ứng tiến độ dẫn tới các hộ dân (hộ phụ phát sinh) chưa có chỗ ở để di chuyển; nhiều hộ dân đang còn vướng mắc về giấy tờ đất (chuyển nhượng viết tay, vô chủ...) dẫn tới khó khăn trong công tác đền bù.
Về tiến độ giải ngân, theo báo cáo, đến nay, Dự án đã được Trung ương bố trí 100% vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2018 - 2021 để triển khai thực hiện là 22.853.899 triệu đồng. Theo Báo cáo số 396/BC-CP ngày 11/10/2022 của Chính phủ về tình hình triển khai Dự án, lũy kế giải ngân vốn giai đoạn 2018 - 2021 đến ngày 30/8/2022 là 16.438.665 triệu đồng (trong đó: giải ngân trong năm 2019 là 1.130.610 triệu đồng, năm 2020 là 6.125.591 triệu đồng, năm 2021 là 7.443.110 triệu đồng, năm 2022 đạt 1.739.354 triệu đồng), tương đương với 71,93% tổng mức đầu tư của Dự án.
Tiến độ giải ngân như vậy là rất chậm so với kế hoạch - cơ quan của Quốc hội nhấn mạnh.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ, Ủy ban Kinh tế cho biết, trong suốt quá trình thực hiện Dự án, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường ghi nhận khoảng 1.000 trường hợp thực hiện việc chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất trọn thửa đất và một phần thửa đất nhưng chưa lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định.
Đối với các trường hợp này, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường phải lập kế hoạch vận động kiểm đếm, xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ. Riêng khu vực 1.810 ha và 722 ha hiện còn 21 trường hợp chưa hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ trình phê duyệt (tất cả những trường hợp này đều là các hồ sơ chuyển quyền một phần thửa đất nhưng chưa lập thủ tục chuyển quyền theo quy định, sau nhiều lần tổ chức vận động, hộ dân mới đồng ý kiểm đếm; do đó tiến độ có phần chậm trễ).
Mặt khác, có khoảng 238 trường hợp thuộc khu vực còn lại, bao gồm các hồ sơ chuyển nhượng một phần thửa, hồ sơ chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng hồ sơ do cần phải xác minh kỹ lưỡng các nội dung để khẳng định hồ sơ đủ điều kiện bồi thường và bồi thường đúng đối tượng, do đó ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành Dự án.
Theo Ủy ban Kinh tế, thời gian qua Chính phủ đã tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, tuy nhiên, việc triển khai rất chậm. Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan cần tiếp tục tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ, chất lượng của Dự án.
Cùng với các nội dung trên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế còn nêu một khó khăn đáng chú ý đối với việc triển khai dự án này.
Cụ thể, từ cuối năm 2021 đến nay, giá nhiên liệu và nguyên vật liệu trên thị trường đã và đang theo xu hướng tăng cao do ảnh hưởng chung trên thế giới. Việc tăng giá nhiên liệu, nguyên liệu đã làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến các gói thầu đang thi công và dự toán các gói thầu chuẩn bị thi công trong thời gian tới trong khi chưa có các chính sách điều chỉnh giá được cập nhật phù hợp với tình hình thực tế.