Là một trong những động lực chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam, song nhiều doanh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu.
Đây là những chia sẻ của cộng đồng doanh nghệp trong “Hội nghị đối thoại: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức sáng 2/3 tại tỉnh Hải Dương.
Toàn cảnh Hội nghịCòn nhiều vướng mắc, chồng chéo
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Lê Mạnh Cương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho rằng, trong thời gian qua các bộ ngành rất tích cực cải cách các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hoá thương mại, đặc biệt trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và cũng có nhiều mặt hàng thuộc quản lý từ 2 bộ ngành trở lên.
Về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu hiện nay chỉ có thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm theo Nghị định 15/2018/CP ngày 02/02/2018 được áp dụng hình thức quản lý rủi ro, kiểm tra giảm, kiểm tra thông thường, và kiểm tra chặt.
Trong khi đó, việc công nhận, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài còn rất hạn chế. Về cơ bản, kiểm tra chuyên ngành hiện nay chưa áp dụng việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành.
“Trên thực tế, doanh nghiệp khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất nhập khẩu trên cổng thông tin điện tử quốc gia (VNSW). Nhưng, thông quan, cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vẫn còn có công đoạn thủ công. Cụ thể, doanh nghiệp in giấy chứng nhận kiểm dịch cầm cho cơ quan hải quan xem hoặc thông báo bằng điện thoại cho công chức để làm các thao tác nghiệp vụ thông quan cho lô hàng trên hệ thống, lúc đó tờ khai mới được thông quan” ông Cương nêu ví dụ.
Còn theo Bà Lương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, như việc kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn chưa nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ.
Đơn cử, đã nộp thuế qua online, nhưng phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan. Thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Các thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan…
Nhìn nhận về những khó khăn này, ông Trương Đức Trọng, Ban Pháp chế VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu.
Về tiếp cận thông tin, có khoảng 38% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm nhìn chung phản ánh việc tìm hiểu thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn hơn các nhóm khác.
Về mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hải quan, doanh nghiệp lo ngại các quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi. Thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra chồng chéo.
Về thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành, mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hoá ở mức trung bình. Không có thủ tục nào nhận được trên 70% được đánh giá tương đối dễ hoặc dễ thực hiện. Kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc tuân thủ tương hoặc dễ thực hiện chỉ đạt tối đa 66%.
“Khâu quy trình nộp hồ sơ đăng ký kiển tra là bước được doanh nghiệp nhìn nhận dễ tuân thủ nhất trong 4 khâu. Trong khi lấy mẫu kiểm tra là khâu doanh nghiệp thường gặp khó khăn hơn cả. 59% doanh nghiệp đã gặp ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ kiểm tra chuyên ngành…” ông Trọng quan ngại.
Các bộ, ngành cần thống nhất hướng dẫn quy định
Để hoạt động thương mại xuyên biên giới thuận lợi và giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thiểu khó khăn, ông Trọng cũng đưa ra một số khuyến nghị, lĩnh vực cần tập trung cải thiện.
Đối với cơ quan Hải quan, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật với tính ổn định, nhất quán, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch và dễ tiếp cận. Hài hoà các thủ tục hải quan phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Áp dụng đồng bộ các phương thức quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục từ khai hải quan, thông quan đến kiểm tra sau thông quan…
Đối với các cơ quan quản lý và kiểm tra chuyên ngành, cần tập trung cải thiện những lĩnh vực, khâu quy trình còn phiền hà như các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, rà soát hoạt động lấy mẫu kiểm tra vì đây là khâu doanh nghiệp thường phản ánh gặp khó khăn.
Đồng thời giảm tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, nghiên cứu giảm số mặt hàng và số lô thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, áp dụng đầy đủ và thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro, rà soát những điểm chồng chéo giữa các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành…
“Doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật, các chính sách hiện hành về xuất nhập khẩu… Tăng cường hiểu biết về công nghệ thông tin để ứng dụng hiệu quả hơn trong thực hiện thủ tục hành chính. Liên kết và tận dụng hiệu quả kênh hiệp hội doanh nghiệp”, ông Trọng lưu ý.
Còn theo Bà Lương Thu Hương, các bộ ngành cần thống nhất hướng dẫn quy định để doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực sự chỉ qua một cửa.
Đồng thời, cần rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA); tiếp tục cải cách hành chính để giảm thiểu thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, đặc biệt là những giấy phép điều kiện không thực sự cần thiết.
“VCCI và các bộ ngành thường xuyên tăng cường tổ chức tập huấn chính sách để cập nhật chính sách quy định mới cho doanh nghiệp; Nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý xuất nhập khẩu hải quan, cán bộ chuyên môn để hạn chế tối đa các ách tắc, tiêu cực trong hoạt động này” bà Hương đề nghị.