Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Phạm Tấn Công, cộng đồng doanh nghiệp trong nước kỳ vọng chính sách về môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn để phục hồi niềm tin, khí thế kinh doanh cho doanh nhân, doanh nghiệp; tăng năng lực cạnh tranh và sức thu hút của nền kinh tế đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế tiếp tục đối diện với khủng hoảng về tài chính và tiền tệ; thêm vào đó, tiềm lực và thể trạng của số đông doanh nghiệp đều chưa có sự phục hồi tích cực sau biến cố của dịch COVID-19 nên ngoài sự kỳ vọng các chính sách linh hoạt, kịp thời và hiệu quả từ phía Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cộng đồng doanh nghiệp còn mong đợi chủ trương bảo vệ và "nuôi dưỡng" các doanh nghiệp.
Chính phủ cũng triển khai nhiều giải pháp động viên doanh nghiệp; thúc đẩy các doanh nghiệp cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia. Qua đó, xây dựng Việt Nam tiếp tục xứng đáng là điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư.
Năm 2023, Chính phủ sẽ tập trung cải cách thị trường vốn, thị trường tài chính và theo VCCI thì không có gì tốt bằng việc cải thiện các yếu tố nền tảng của thị trường như minh bạch thông tin, bảo vệ cổ đông thiểu số, chống gian lận, lừa đảo, giao dịch nội gián, tăng cường các hệ số an toàn ngân hàng, chống sở hữu chéo, giảm nợ công…
Việc kiên định cải thiện thị trường tài chính chắc chắn sẽ giúp hạ lãi suất của tiền đồng Việt Nam và tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế.
Dây chuyền sản xuất ô tô của Hyundai Thành Công. Ảnh minh họa: Đức Phương/TTXVN
Thêm nữa, đầu tư hạ tầng cũng là lĩnh vực được tập trung cải thiện trong năm nay. VCCI kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa; đồng thời, sớm ban hành được Quy hoạch điện VIII và triển khai các dự án giao thông lớn như cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành... Cùng với đó, tập trung đầu tư cho khu vực kinh tế phía Nam để khắc phục tình trạng hạ tầng xuống cấp. Thực tế, nguồn vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng, vào các dự án công nghiệp là không thiếu. Vấn đề quan trọng là sự ổn định chính sách để các doanh nghiệp kể cả trong và ngoài nước yên tâm đầu tư.
Theo người đứng đầu VCCI, cải cách môi trường kinh doanh hiện đang có dấu hiệu chững lại do sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua. Mặc dù, nhiều bộ, ngành đã có chương trình đơn giản hoá thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng mới chỉ dừng lại ở việc sửa đổi nhỏ; chứ chưa có nhiều thay đổi lớn, mang tính cách mạng và thực chất. Đây sẽ là vấn đề cần tiếp tục được thúc đẩy để tiến trình cải cách đạt được bước tiến xa hơn trong giai đoạn tới.
Hiện đại hoá hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và mở các cơ sở dữ liệu của quốc gia cũng sẽ là chìa khoá quan trọng để phát triển kinh tế. VCCI kỳ vọng, 2 năm tới đây, Việt Nam sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ nhờ vào sự quyết liệt, đồng hành của Chính phủ và mọi cấp chính quyền cùng với doanh nghiệp để nền kinh tế không chỉ phục hồi mà còn phát triển vững, mạnh và vươn xa.