Thông tin tại Tọa đàm trực tuyến "Phân tích, dự báo cung cầu - Giải pháp khơi thông điểm nghẽn thị trường lao động" do Cục Việc làm tổ chức ngày 24/5, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, hiện nay người lao động có khuynh hướng đến nơi có nhiều cơ hội việc làm để đảm bảo cuộc sống. Do vậy, dẫn đến những vấn đề như mất cân đối cục bộ giữa các địa phương, vùng miền. Lao động tập trung ở khu công nghiệp, khu chế xuất, những vùng sâu, xa, tỉnh lẻ thì thiếu nhân lực.
Tuy nhiên, ông Toàn nhận định trạng thái này cũng đang có xu hướng quay ngược, chậm dần, không còn mạnh mẽ như trước, đặc biệt là sau COVID-19.
"Khi COVID-19 diễn ra, người lao động trải qua khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, người ta sẵn sàng chấp nhận những việc làm có tiền lương, thu nhập thấp hơn, nhưng đổi ngược lại là họ an toàn hơn, ít rủi ro hơn, hay chi phí ở đô thị, các thành phố lớn quá cao cho chăm sóc con cái, gia đình, nên họ cũng tính toán đến việc ở lại quê nhà, hoặc tỉnh lẻ để làm với thu nhập thấp hơn mà vẫn đảm bảo cuộc sống. Chính vì vậy, tôi cho rằng xu hướng sẽ chậm lại chứ không còn là dòng dịch chuyển nhanh như trước kia", ông Toàn đánh giá.
Còn về vấn đề mất cân đối cung - cầu cục bộ, theo ông Toàn phải nhìn nhận ở các biểu hiện.
Một là mất cân đối về số lượng, tức là nơi thừa nơi thiếu.
Thứ hai là về mặt trình độ, tức người lao động được đào tạo ở một loại trình độ nhưng thị trường lại có nhu cầu ở loại trình độ khác.
Gần đây còn xuất hiện vấn đề nữa là mất cân đối về mặt kỹ năng. Tức là trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi số, các doanh nghiệp yêu cầu ngoài trình độ chuyên môn kỹ thuật thì còn cần thêm các kỹ năng khác.
Một điểm nữa là mất cân đối theo độ tuổi. Theo quy định, các doanh nghiệp khi tuyển dụng không được phép phân biệt về tuổi, nhưng doanh nghiệp lại ngầm hiểu họ sẽ tập trung vào nhóm lao động trẻ để đạt năng suất tốt nhất. Điều này dẫn tới việc nhóm lao động bước sang tuổi trung niên (từ 30 trở lên) có nguy cơ bị sa thải nhiều hơn. Những nhóm này trên 1 địa bàn nhất định sẽ dẫn đến tình trạng nguồn cung lao động thì đang thừa nhưng doanh nghiệp lại không tuyển dụng vì họ đang tập trung quá nhiều vào nhóm lao động trẻ, và giữa các doanh nghiệp cạnh tranh để thu hút nhóm này, dẫn tới tình trạng mất cân đối cung - cầu.
Phân tích về hệ lụy, ông Toàn cho rằng, mất cân đối cung - cầu lao động không chỉ là mất cân đối về số lượng, mà còn mất cân đối các hình thái khác nhau (trình độ, kỹ năng, cơ cấu…). Xã hội không tận dụng được lao động hợp lý, dẫn đến năng suất lao động thấp.
Người lao động đi tìm việc, khi họ thấy số người tìm việc lớn hơn nhu cầu, sẽ tạo cảm giác chán nản.
Có người lao động không tham gia thị trường chính thức. Gần đây nhất có tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhìn trong dài hạn, người lao động mất bảo đảm an sinh xã hội, rủi ro cho cuộc sống của họ.
Cùng quan điểm, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết, hiện nay chưa có khảo sát cụ thể để đánh giá thực trạng của việc mất cân đối cung - cầu lao động (trình độ, kỹ năng, ngành nghề…), nhưng qua quan sát trong giai đoạn vừa rồi, nổi lên vấn đề ở khía cạnh năng suất lao động, kỹ năng của một số người lao động hiện nay.
Khi trình độ, kỹ năng của một bộ phận người lao động bị hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp đang tuyển dụng, thì rõ ràng, hoạt động tuyển dụng, kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.
Do đó, việc mất cân đối cung - cầu lao động là vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay.
Cần xây dựng mô hình dự báo cung - cầu lao động phù hợp
Để tháo gỡ được "điểm nghẽn" bất cân đối cung cầu lao động cục bộ hiện nay, các chuyên gia cho rằng mô hình phân tích và dự báo cung - cầu lao động được xem là một trong những giải pháp hiệu quả và cần thiết.
Theo ông Phạm Ngọc Toàn, để phát triển được hiệu quả mô hình này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần xây dựng cơ sở dữ liệu sống, khi đó cung cấp thông tin cụ thể cho người sử dụng lao động, người lao động. Các bên sẽ biết trên từng địa bàn, từng ngành, tình hình cung cầu đang diễn ra như thế nào. Điều này rất có ý nghĩa với người lao động, doanh nghiệp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng phải tập trung xây dựng mô hình dự báo, có sự đồng thuận các bên liên quan: tổ chức quốc tế, trung ương, địa phương. Mục đích chính là để các bên liên quan cùng nắm, có ý kiến đóng góp, cho ra kết quả khoa học, đáng tin cậy, có ý nghĩa trong thực tế.
Công tác truyền thông cũng sẽ cần được chú trọng. Nếu các kết quả phân tích, dự báo thị trường lao động được nhiều người biết đến, sẽ nhanh chóng lan tỏa, thậm chí thay đổi hành vi trên thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục có thể trang bị thêm cho người học các kỹ năng mà xã hội cần. Doanh nghiệp nắm tình hình, có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Ông Vũ Quang Thành thì kỳ vọng mô hình phân tích - dự báo cung cầu lao động phải đáp ứng các yếu tố:
Tính khoa học - bởi chúng ta không thể chỉ ước đoán, mà phải có số liệu, từ đó đưa ra dự báo, dự đoán tình hình cho chính xác.
Tính phù hợp - có thể Hà Nội dùng mô hình dự báo này thì phù hợp, nhưng tỉnh khác thì chưa phù hợp. Do đó, phải chọn được mô hình phù hợp cho địa phương.
Tính linh hoạt - mô hình đó phải dùng được trong hiện tại lẫn tương lai.
Tính khả thi - kết quả của mô hình đầu ra phải phù hợp với sự phát triển của địa phương.