Tham gia phiên kỹ thuật có 12 nhóm công tác, gồm điện, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, đầu tư và thương mại, kinh tế số, cơ sở hạ tầng, thuế, hải quan, nguồn nhân lực, đào tạo, du lịch, khoáng sản...
Đa số các nhóm công tác đều cho rằng, dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, song vẫn còn khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Cần thống nhất giá bán cụ thể cho từng nhà máy điện
Nêu ý kiến đầu tiên, ông John Rockhold, đại diện cho Nhóm Công tác Điện và Năng lượng hoan nghênh những kết quả tích cực mà ngành điện Việt Nam đã đạt được trong năm 2022. Cụ thể, đó là việc sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo và đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất tăng cao sau thời kỳ dịch bệnh.
“Biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió là bằng chứng cho thấy chính sách có thể khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo như thế nào”, nhóm Công tác Điện và Năng lượng đánh giá.
Theo đại diện nhóm này, mới đây, Bộ Công Thương cũng vừa ban hành cách xác định khung giá cho các dự án chuyển tiếp này, tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để EVN và các nhà đầu tư thống nhất giá bán cụ thể cho từng nhà máy điện.
Do tác động của đại dịch toàn cầu mà các nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời cũng như hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà không tránh khỏi sự chậm trễ và kéo dài thời gian xây dựng. Vì vậy, việc chậm đưa dự án vào vận hành thương mại đôi khi là vì lý do khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư.
“Những dự án này là nguồn năng lượng sạch và một số dự án đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc kịp thời có giải pháp cho những dự án chuyển tiếp này là cần thiết hơn bao giờ hết, trong khi chờ chính sách mới về giá bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo” nhóm Công tác Điện và Năng lượng đánh giá nhấn mạnh.
Cần cải tiến, chấp nhận thủ tục điện tử để giảm bớt chi phí hành chính
Đại diện Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, ông Trần Anh Đức cho biết, dù có nhiều điểm cải thiện tích cực trong cải thiện thủ tục liên quan đầu tư, đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định phức tạp, yêu cầu bản giấy trong khi các doanh nghiệp hiện nay hầu hết chuyển sang làm online.
Về thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp đã có báo cáo phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp trong lĩnh vực như kinh doanh bán lẻ liên quan đến các Sở Công Thương, Bộ Công Thương. Trong đó, nhiều thủ tục kéo dài, thậm chí hơn 6 tháng chưa được chấp thuận cấp phép. Chúng tôi kiến nghị cần cải tiến, chấp nhận thủ tục điện tử để giảm bớt chi phí hành chính cho doanh nghiệp.
Về khung pháp lý với đất đai và bất động sản, trong giai đoạn vừa qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn; trong đó, có một phần nguyên nhân từ các vướng mắc về thủ tục. Có doanh nghiệp cho biết phải mất 3 - 5 năm, thậm chí hơn 5 năm để thực hiện xong hết thủ tục phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam.
“Nhiều văn bản pháp lý có quy định chồng chéo gây khó khăn và kéo dài. Rất mong các cơ quan chức năng lắng nghe và tích cực tháo gỡ khó khăn, cải thiện pháp lý cho doanh nghiệp.”, ông Trần Anh Đức chia sẻ.
Ngoài ra theo ông Đức, các quy định về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản không hướng dẫn rõ ràng các tiêu chí về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến cách hiểu và giải thích chung là khi có bất kỳ hình thức hay mức độ đầu tư nước ngoài nào, doanh nghiệp sẽ được coi là có vốn đầu tư nước ngoài và đối mặt với các hạn chế của quy định về nhà ở và kinh doanh bất động sản.
“Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thường thiết lập nhiều tầng sở hữu để cố gắng giảm thiểu sự không chắc chắn này. Để phù hợp với Luật Đầu tư, doanh nghiệp có từ 50% vốn đầu tư nước ngoài trở xuống nên được coi là nhà đầu tư trong nước khi áp dụng để thực hiện đầu tư cấp độ tiếp theo” ông Trần Anh Đức nêu rõ.
Thủ tục nhập cư và giấy phép lao động cần rõ ràng và thống nhất hơn
Đại diện Nhóm Công tác Nguồn nhân lực, ông Colin Blackwell cho biết, dù thị trường Việt Nam đã mở cửa trở lại vào đầu năm 2022, song thủ tục về nhập cư và giấy phép lao động ngày nay đặt ra các thách thức hơn nhiều so với giai đoạn "bình thường cũ".
Cụ thể, những thủ tục này không có lộ trình rõ ràng cho thời gian bắt đầu, khó khăn trong việc giữ chân lao động nước ngoài do việc chấp thuận về nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài và yêu cầu gia hạn giấy phép lao động làm chậm trễ trong việc đưa lao động mới vào Việt Nam... là các vấn đề mà các công ty tại Việt Nam đang phải đối mặt trong bình thường mới.
“Chúng tôi đã có nhiều cuộc thảo luận với lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng như một số chủ doanh nghiệp nước ngoài lâu năm, tất cả đều lo ngại trước những thách thức giống nhau”, ông Colin Blackwell nói.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong danh sách các nội dung kiến nghị gửi tới phiên kỹ thuật VBF 2023 khá dày, có thể nhắc tới một số vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất như chính sách mới về giá bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo, tiếp cận thị trường quyền sử dụng đất với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các kiến nghị về thuế, hải quan...
Theo bà Ngọc, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng, tích cực trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững thì những ý kiến, khuyến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp sẽ là đầu vào cho báo cáo tại Phiên cao cấp VBF 2023 diễn ra ngày 19/3 tới đây, để từ đó, cộng đồng doanh nghiệp, cùng cơ quan quản lý cùng chung tay tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và doanh nghiệp phát triển.
Được biết, theo lịch trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên cao cấp VBF 2023.