Sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Trong đó, đề xuất quy định giá mua xe tối đa là 5 tỷ đồng/xe đối với xe ô tô phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ đặc thù của các chức danh lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Theo đó, về mức giá mua ô tô, cơ quan này cho biết có ý kiến đề nghị sửa Điều 16 của Nghị định 04/2019 theo hướng nâng mức giá tối đa để mua sắm ô tô phục vụ công tác chung, đảm bảo chất lượng tốt, độ bền cao hơn. Từ đó nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chung tại các đơn vị và phù hợp với giá xe thực tế trên thị trường.
"Giá mua xe quy định tại Nghị định 04/2019 đã được áp dụng từ năm 2010. Hiện nay, hệ thống đường bộ đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp để xe lưu thông với vận tốc cao, đồng thời giá mua xe đã có biến động tăng so với năm 2010", Bộ Tài chính lý giải.
Tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, để bao quát hết các trường hợp, Bộ Tài chính đã hoàn thiện quy định như sau: Việc thực hiện xử lý xe ô tô chuyên dùng không phù hợp tiêu chuẩn, định mức phải hoàn thành chậm nhất 12 tháng kể từ ngày cơ quan, người có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức theo quy định.
Trường hợp xe chuyên dùng hiện có phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng đã được quy định, thời điểm 12 tháng được tính từ ngày cơ quan, người có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng có văn bản thông báo cho các đối tượng chịu sự tác động.
Tăng định mức tối đa do giá xe tăng
Cụ thể, dự thảo nghị định đã điều chỉnh tăng giá mua ô tô phục vụ công tác chung trên cơ sở khảo sát giá mua mới xe trên thị trường năm 2022.
Tại Điều 15 quy định mức giá mua xe loại một cầu tối đa là 950 triệu đồng/xe (tăng so với quy định hiện hành là 230 triệu đồng/xe). Trường hợp cần trang bị loại ô tô 7-8 chỗ 2 cầu, mức giá tối đa là 1,6 tỷ đồng/xe (tăng so với quy định hiện hành là 500 triệu đồng/xe); xe 6-12 chỗ ngồi, mức giá tối đa là 1,3 tỷ đồng/xe (tăng so với quy định hiện hành là 200 triệu đồng/xe).
Với mức giá này có thể mua được các loại xe sử dụng phổ biến tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị như: Toyota Innova, Toyota Altis, Mazda 3, Mazda CX3, Mazda CX5, Toyota Fortuner, Ford Everest…
Trước đó, đối với xe ô tô phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ đặc thù của các chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; nhiệm vụ đặc thù của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, giá mua xe tối đa là 4,5 tỷ đồng/xe.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, giá xe ô tô quy định tại khoản 2 Điều 15 dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở tham khảo mức giá của các dòng xe trên thị trường tại thời điểm tháng 9/2022. Đến thời điểm này, giá một số loại xe đã có sự tăng nhẹ. Đơn cử như giá xe Toyota Land Cruiser LC300 2021 đã tăng từ 4,1 tỷ đồng lên gần 4,3 tỷ đồng.
Vì vậy, nhằm đảm bảo giá xe quy định tại dự thảo Nghị định có thể duy trì trong thời gian 3-5 năm, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định về giá mua xe, cụ thể: Đối với xe ô tô phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ đặc thù của các chức danh lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, giá mua xe tối đa là 5 tỷ đồng/xe.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, bên cạnh số xe quy định như trên, mỗi bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trang bị 1 xe với mức giá tối đa là 4,5 tỷ đồng/xe và 1 xe với mức giá tối đa là 2,8 tỷ đồng/xe.
Không sử dụng ngân sách mua ô tô tại các tổ chức tài chính ngoài nhà nước
Theo Bộ Tài chính, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước (NSNN), nguồn thu, nhiệm vụ chi để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Ví dụ như: Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ đầu tư phát triển…; Các quỹ tài chính ngoài ngân sách được hỗ trợ vốn điều lệ từ NSNN; cán bộ, công chức của quỹ do các cơ quan Nhà nước cử tham gia theo quy định.
Do đó, yêu cầu về xe ô tô phục vụ công tác để thực hiện các hoạt động của quỹ là cần thiết. Tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP chưa quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức xe của các quỹ này nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện, khó khăn cho việc bố trí phương tiện phục vụ hoạt động của quỹ.
Vì vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý và thống nhất trong quá trình thực hiện, dự thảo nghị định đã bổ sung đối tượng là các tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng hoàn thiện nội dung về kinh phí mua xe ô tô của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo hướng các tổ chức này được áp dụng theo cơ chế tài chính của đơn vị, tổ chức nào thì tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô được áp dụng theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô của mô hình tương ứng quy định tại Nghị định này.
Do đó, nguồn kinh phí để mua xe ô tô do các tổ chức tự đảm bảo, không sử dụng NSNN để mua sắm xe ô tô.
4 nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe công
Căn cứ danh mục chức danh, chức vụ quy định tại Kết luận số 35- KL/TW ngày 5/5/2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tiếp tục duy trì cách phân chia các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thành 4 nhóm như quy định hiện hành.Nhóm 1: Chức danh được sử dụng thường xuyên xe ô tô kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá (gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội);
Nhóm 2: Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá (gồm: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội);
Nhóm 3: Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác có quy định mức giá mua tối đa;
Nhóm 4: Chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác có quy định mức giá mua tối đa.