Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến ngành cà phê toàn cầu và các vùng nguyên liệu của Việt Nam. Hiện các thị trường lớn như Mỹ, EU đang dần siết chặt các yêu cầu nhập khẩu đối với mặt hàng cà phê với các tiêu chí về giảm phát thải khí nhà kính.
Do vậy, Chương trình Cảnh quan và Chương trình Cà phê bắt đầu triển khai từ năm 2014, do Tổ chức IDH hợp tác cùng Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, doanh nghiệp sản xuất và thu mua cà phê, hồ tiêu trong nước và quốc tế … đồng thiết kế, đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô lớn phát thải thấp, triển khai các giải pháp sản xuất, thu mua bền vững sản phẩm cà phê áp dụng phương pháp tiếp cận cảnh quan, nông nghiệp tái sinh, gia tăng diện tích cây trồng xen, sử dụng có trách nhiệm vật tư đầu vào, tài nguyên đất và nước, qua đó từng bước cắt giảm phát thải, gia tăng khả năng lưu trữ carbon của các vùng sản xuất cây công nghiệp tại Tây Nguyên.
Bà Trần Thị Quỳnh Chi - Giám đốc khu vực Châu Á, Chương trình Cảnh quan IDH cho biết, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn, phát thải thấp, không phá rừng, đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân là giải pháp căn cơ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU.
Gần một thập kỷ qua, IDH nỗ lực cùng JDE Peet’s, Bộ NN-PTNT, các tỉnh Tây Nguyên, các công ty cà phê triển khai thử nghiệm cách tiếp cận cảnh quan và thực hành sản xuất cà phê bền vững để xây dựng gần 100.000 ha vùng nguyên liệu cà phê và hồ tiêu, giúp giảm phát thải 60% và tăng 15% thu nhập cho 15.000 hộ sản xuất cà phê và hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên.
Trong giai đoạn 2021-2025, ngoài mục tiêu nhân rộng tiếp cận cảnh quan, sản xuất bền vững và nâng cao thu nhập nông hộ trên 85.000 ha đất nông nghiệp và 150.000 ha đất rừng, Chương trình Cảnh quan/Cà phê IDH và các đối tác sẽ tiến hành thí điểm các mô hình đo lường, báo cáo phát thải và xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích, tạo động lực tái đầu tư, nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững giảm phát thải.
Đây cũng là một trong những giải pháp cốt lõi nhằm đáp ứng được các yêu cầu sắp tới của thị trường về Thẩm định trách nhiệm doanh nghiệp (Due Diligence) liên quan tới chống phá rừng, bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội, quản trị khác.
“IDH ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hình thành các mô hình kinh doanh, truy xuất nguồn gốc và chia sẻ lợi ích cũng như chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình nhằm nhân rộng quy mô đầu tư và khuyến khích tiếp thu, thực hành giảm phát thải trong khối tư”, bà Trần Thị Quỳnh Chi nói.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 25/3/2022, Bộ NN-PTNT phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025”, tổng diện tích khoảng 200.000 ha, trong đó, cà phê chiếm khoảng 10% với các yêu cầu:
Áp dụng các thực hành sản xuất đạt chuẩn; Các đầu tư công được phân bổ hợp lý, đúng mục tiêu nhằm hỗ trợ ngành hàng phát triển; Nông dân trong vùng cần được tổ chức trong các tổ chức của họ để tạo ra các đầu mối liên kết chuỗi, liên kết thị trường; Nông dân cần được chuyên nghiệp hóa, tri thức hóa để có thể đạt được trình độ tối thiểu về sản xuất an toàn, bền vững; Số hóa thông qua truy xuất nguồn gốc, tăng cường minh bạch quy trình sản xuất tại các vùng nguyên liệu.
Do vậy, việc vùng nguyên liệu được Bộ NN-PTNT ký với chính quyền địa phương tại 13 tỉnh trên cả nước và vai trò của các bên tham gia từ khối công, các doanh nghiệp, các tổ chức nông dân đều được phân định rõ ràng.
Theo ông Đỗ Ngọc Sỹ - Giám đốc Bền vững châu Á-TBD, Công ty JDE Peet’s - nhà thu mua lớn các sản phẩm cà phê Việt Nam, để đạt được các mục tiêu xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô lớn, giảm phát thải JDE Peet’s quan tâm và đồng hành cùng các vùng nguyên liệu của mình từ nhiều năm nay trong mục tiêu phát triển bền vững, gần đây là giảm phát thải.
“JDE không thể hoàn thành các cam kết nếu thiếu sự hợp tác và chung sức từ các đối tác lâu năm như Simexco, Intimex, Dakman, ... và sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ TW đến địa phương. Chính vì vậy, chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đến IDH, đến toàn bộ các đối tác PPP đã cùng đồng hành giúp chúng tôi dần đạt được cam kết của của mình về việc đến 2025.
100% lượng cà phê thu mua được sản xuất bền vững, và đến 2030 giảm lượng phát thải khí nhà kính đến 30% cho tất cả các hoạt động của JDE từ các nhà máy sản xuất trên toàn cầu, thông qua sử dụng các sản phẩm tái chế, đặc biệt là tiếp tục đầu tư triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu quy mô lớn bền vững như tại Tây Nguyên, Việt Nam”, ông Đỗ Ngọc Sỹ nói .
IDH hỗ trợ phát triển cà phê cảnh quan, hướng tới giảm phát thải
Năm 2022, ngành cà phê vượt chỉ tiêu ngành khi xuất khẩu 1,77 triệu tấn, đạt tổng kim ngạch trên 4 tỷ USD, mang lại việc làm và nguồn thu nhập cho hơn 700.000 nông hộ.
Với 95% tổng sản lượng cà phê được sản xuất tại khu vực Tây Nguyên đang khiến khu vực này trở thành một nguồn phát thải lớn gây ra bởi thâm canh sản xuất, độc canh cây cà phê, phương thức canh tác kém bền vững khi lạm dụng vật tư đầu vào như phân bón hóa học, hoá chất nông nghiệp, nước tưới, năng lượng ...
Các vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và thu nhập của nông hộ về trung hạn, dẫn đến các rủi ro về suy giảm diện tích canh tác, gia tăng phá rừng/mất rừng về dài hạn.
Trong khi chính phủ Việt Nam cam kết đến năm 2030, Việt Nam cam kết đóng góp giảm phát thải 550 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cắt giảm phát thải tối thiểu 129,8 triệu tấn CO2 tương đương.