Sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.
Quốc hội cùng các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan cũng đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.
Phát biểu tại phiên bế mạc chiều 24/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tổ chức hội nghị để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này trong Quý 3/2023, đồng thời rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.
Thẳng thắn, xây dựng và mang tính trực diện, tạo hiệu quả cao
Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cho rằng, đây là kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, kể cả các vấn đề kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đầu tư công nên những quyết định của kỳ họp này liên quan đến kinh tế không chỉ giải các "nút thắt" cho thúc đẩy kinh tế trước mắt mà có tác động lâu dài.
ĐBQH Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội
Đặc biệt, theo ông Cường, kỳ họp này có rất nhiều dự án luật quan trọng, vừa là dự án luật thông qua, vừa là những dự án luật lấy ý kiến ở giai đoạn cuối. Chính vì vậy, những quyết định của kết quả kỳ họp này đang tác động rất mạnh đến khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh tế của đất nước.
Ấn tượng nhất với ông Cường tại kỳ họp này là từ việc thảo luận luật cho đến thảo luận về kinh tế xã hội, chất vấn các thành viên Chính phủ… các đại biểu luôn đưa ra những vấn đề trực diện, thẳng thắn, không nhắc lại các báo cáo.
Quá trình điều hành của Chủ tịch Quốc hội đã đi vào trực diện những vấn đề đại biểu đang muốn hỏi, đưa thêm ý kiến của mình vào để các thành viên Chính phủ trả lời.
“Không khí làm việc của kỳ họp Quốc hội này hết sức thẳng thắn, xây dựng và mang tính trực diện, tạo hiệu quả cao”, ông Cường nhấn mạnh.
Triển khai nhanh những quyết sách vào thực tiễn một cách hiệu quả
Còn theo ĐBQH Nguyễn Công Hoàng, đoàn Thái Nguyên, kỳ họp này có sự thay đổi là các ĐBQH có thêm thời gian ở giữa 2 đợt họp để nghiên cứu tài liệu, đồng thời cơ quan soạn thảo cũng có thời gian để chỉnh sửa, bổ sung cho các dự thảo luật, nghị quyết.
Việc sắp xếp này cũng giúp cho Quốc hội cũng có thêm những nhận định về các ý kiến để khi các luật đã được biểu quyết được sát thực và tiếp tục thu hết các ý kiến một cách tối ưu.
“Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã giải quyết một khối lượng công việc lớn nhất trong tất cả các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay.”, đại biểu Hoàng đánh giá.
ĐBQH Nguyễn Công Hoàng, đoàn Thái Nguyên. Ảnh: Quốc hội
Về các phiên chất vấn, đại biểu cho rằng, các thành viên Chính phủ đã tập trung trả lời đúng và trúng các vấn đề mà các ĐBQH chất vấn. Chủ tọa điều hành các phiên họp, chất vấn cũng rất linh hoạt trong việc điều phối thời gian chất vấn của ĐBQH và trả lời của các Bộ trưởng một cách khoa học. Ngoài ra, người tranh luận cũng rất sâu sát với những vấn đề mà Bộ trưởng trả lời để làm rõ và đi đến cùng những vấn đề cần được sáng tỏ, giải quyết trong thời gian tới.
Đại biểu Hoàng cho rằng, sau khi kết thúc kỳ họp, các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua thì các bộ, ngành có trách nhiệm sớm ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện để có thể áp dụng luật vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả.
Đối với những luật mà được Quốc hội chưa thông qua, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án luật cần tiếp tục rà soát, lắng nghe, tiếp thu những thông tin từ những người thực tiễn và đặc biệt là nhân dân cho ý kiến trong quá trình hoàn thiện dự án luật.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua 2 chuyên đề giám sát năm 2024. Đó là Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”
“Thông qua giám sát, Quốc hội và Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã cũng như quản lý tốt hơn thị trường bất động sản và nhà ở trong thời gian tới.”, đại biểu đoàn Thái Nguyên kỳ vọng.