Ngày 7/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi); trong đó, vấn đề về xây dựng bảng giá đất nhận được nhiều sự quan tâm.
Bảng giá đất nên được xây dựng định kỳ 3 năm để tránh lãng phí
Theo quan điểm của đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định), nếu đến năm 2025 mới có bảng giá đất thì sẽ muộn so với yêu cầu của thị trường đất đai hiện nay, khi thị trường gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng cần thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thành sớm bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản.
Đại biểu cũng đề nghị nên giao phòng công chứng chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về việc xác định giá cả khi tiến hành giao dịch trên cơ sở bảng giá tại vùng đất, thửa đất tại địa điểm đó, để nâng cao trách nhiệm của phòng công chứng, giảm tải vai trò của ngành tài nguyên và môi trường, phòng đăng ký đất đai.
Theo đại biểu, có thể liên thông thẳng từ phòng công chứng đến cơ quan thuế để rút ngắn thủ tục, đảm bảo được nguồn thu thuế cho nhà nước.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) - Ảnh: Quốc hội
Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa -Vũng Tàu) cho rằng, việc xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất hiện nay có những điểm chưa phù hợp, chưa thể hiện sự công khai, minh bạch, gây nên những vấn đề tiêu cực, làm ảnh hưởng đến chính sách về đất đai của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Do đó, bà Phúc đề nghị những quy định mới cần được xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp, khả thi và hiệu quả nhưng cần quan tâm đến độ giãn về thời gian áp dụng quy định, cách thức xác định giá đất theo phương pháp mới. Trong đó xem xét đến việc áp dụng phương pháp hệ số để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, khoản 1, Điều 154 dự thảo luật quy định "bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm" nên sửa đổi thành bảng giá đất được xây dựng định kỳ 3 năm để tránh lãng phí về thời gian tổ chức và các quy trình xây dựng bảng giá đất.
Trong khi đó, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tại Chương 11 về tài chính đất đai, giá đất dù đây là vấn đề khó, phức tạp để có thể xác định giá đất sát với giá thị trường.
Đại biểu nêu một số băn khoăn như nếu coi giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất quy định tại khoản 3 thì khó có thể chính xác đảm bảo nguyên tắc là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.
Lấy thực tế, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường có sự chênh lệch bằng hoặc là thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị nên coi kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định giá đất. Theo bà, đây cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất.
Cần có đơn vị sự nghiệp công lập về định giá đất
Quan tâm đến việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá đất, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) cho rằng, bên cạnh doanh nghiệp tư nhân hoạt động về định giá đất, cần có đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước hoạt động trên lĩnh vực này.
Theo đại biểu phân tích, nếu doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng đất là tài sản công, bắt buộc đơn vị kiểm tra giá đất phải là một đơn vị công lập.
"Nếu đất do Nhà nước thu hồi để sử dụng chung, đơn vị thẩm định cũng phải là đơn vị sự nghiệp công lập, có như vậy mới đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý tài sản. Còn nếu là giao dịch tư nhân thì có quyền chọn đơn vị tư vấn là tư nhân", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị trong hệ thống nhà nước cấp tỉnh và một số cấp huyện cần hình thành đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ tư vấn, định giá đất để Nhà nước sử dụng hoặc để Nhân dân đối chiếu.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) - Ảnh: Quốc hộiĐể hoạt động định giá đất có cơ sở khách quan, đại biểu đề xuất cần sử dụng tư liệu quốc gia về đất. "Đây là điều kiện bắt buộc để hoạt động định giá đất, dù là đơn vị tư nhân hay công lập", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo đại biểu, quy định trên cũng liên quan đến Điều 162 về khai thác hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đất. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chỉ chọn được quyền khai thác cho mục đích của mình; người tiêu dùng được khai thác để đảm bảo lợi ích của mình; các đơn vị không thuộc hai loại trên muốn sử dụng dữ liệu này phải xin phép và được cho phép.
"Quy định như vậy là chưa phù hợp bởi tất cả đơn vị định giá đất cần phải sử dụng dữ liệu quốc gia về đất mới đảm bảo khách quan, do vậy cần sửa đổi theo hướng khuyến khích sử dụng…", đại biểu nêu ý kiến.