Tại Tọa đàm chuyên đề "Đánh giá vòng 2 việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022" do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp tổ chức sáng 9/3, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có những chia sẻ về vai trò của công bố, công khai thông tin đất đai trong vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bà Nhung phản ánh thực tế những vụ án lớn về đất đai thời gian qua đều có vi phạm về quyền dân chủ, quyền tiếp cận thông tin của người dân. Tình trạng trục lợi chính sách thể hiện rất rõ từ giá đất và bảng giá đất.
Đánh giá về giá đất trước và sau khi có dự án, bà Nhung dẫn chứng khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, giá đất trước khi có dự án và giá đất sau khi có dự án chênh lệch từ 50 - 700 lần.
"Địa tô chênh lệch đã thể hiện rõ việc chưa có sự cân bằng giữa lợi ích của người dân, chủ đầu tư và Nhà nước trong thu hồi đất và là hậu quả trong đầu tư kinh doanh. Qua đó, có thể thấy những dấu hiệu của rửa tiền, tham nhũng từ đất đai. Đây chính là vấn đề nhức nhối trong xã hội”, bà Nhung chia sẻ.
Qua khảo sát, bà Nhung nhận thấy ngay trong việc công bố, công khai thông tin đất đai trên các cổng thông tin điện tử địa phương cũng còn rất nhiều vấn đề, có những nơi không công bố hoặc có công bố nhưng không đầy đủ. Bên cạnh đó, việc công khai thông tin trên các website ở địa phương cũng chưa đồng bộ, mức độ không đồng đều.
PGS.TS Doãn Hồng Nhung nhận định, mọi người dân đều mong mỏi việc công khai thông tin vì muốn biết giá trị tài sản của mình. Quyền được biết thông tin chính xác về giá trị tài sản là quyền lợi chính đáng của người dân, là nhu cầu bức thiết của xã hội trong bối cảnh giá đất có xu hướng không giảm mà chỉ chững lại hoặc tăng lên, giá đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị và thị trường bất động sản được dự đoán sẽ còn biến động trong ít nhất 2 - 3 năm tới đây.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công bố nội dung này, bà Nhung kiến nghị sớm hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi và Luật Tiếp cận thông tin theo hướng công khai, minh bạch để tăng cường sự giám sát của người dân, giúp người dân tiếp cận được thông tin về đất đai.