Sáng 25/5, tại phiên họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội, đặc biệt là những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.
Theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình, trong những năm qua, Chính phủ vẫn có những chương trình cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như Nghị quyết 19 và nay là Nghị quyết 02 ban hành hàng năm. Theo đó, các bộ ngành và địa phương đã có những nỗ lực cải môi trường kinh doanh.
“Trước đây, doanh nghiệp tư nhân trong nước hay quan ngại là ưu ái hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng bây giờ chất lượng thực thi chính sách, thái độ và ủng hộ khu vực kinh tế tư nhân của chính quyền địa phương tiếp tục gia tăng.”, ông Hiếu nhìn nhận.
Tuy vậy, kể từ năm 2022, những cải cách này không những có dấu hiệu chững lại mà còn có nguy cơ tạo thêm những quy định, tạo thêm những gánh nặng và tạo thêm những rào cản kinh doanh cho doanh nghiệp.
Ông Hiếu dẫn chứng, theo điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch khi gặp trở ngại đối với thủ tục hành chính vẫn là con số lớn, thậm chí có những lĩnh vực lên tới 42%.
Đặc biệt, trong đơn góp ý với Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ, 14 hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam bày tỏ lo lắng những quy định trong dự thảo sẽ gia tăng chi phí kinh doanh khi phải tuân thủ quy định.
“Ở đây mục tiêu quản lý là có, nhưng trong bối cảnh hiện doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn thì những dự thảo như thế này là rất quan ngại”, ông Hiếu nhìn nhận.
Cùng chung nỗi lo này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho biết, một những thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp hiện này là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) rất ngặt nghèo,
Theo báo cáo Ủy ban Tài chính Ngân sách các tiêu chí về PCCC đối với doanh nghiệp của Việt Nam cao hơn nước ngoài khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng được.
“Vấn đề này cần được Chính phủ giải trình. Nếu tình hình quy định vậy, hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa vì không đáp ứng được tiêu chuẩn, thì giải quyết làm sao vấn đề việc làm người lao động”, ông Hòa quan ngại.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp
Cải thiện môi trường kinh doanh cần sự quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ
Nhìn nhận những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính là dòng tiền, thị trường và khả năng hấp thụ vốn. Doanh nghiệp nếu không có đơn hàng thì không thể vay vốn.
Thời gian sắp tới, Chính phủ sẽ cố gắng tháo gỡ dòng tiền để doanh nghiệp có tiền trả nợ đến hạn, đóng thuế, trả lương cho nhân viên, dùng làm vốn lưu động...
Về tháo gỡ khó khăn về ách tắc thủ tục hành chính, Bộ trưởng cho biết, hiện nhiều địa phương chậm giải quyết các thủ tục hành chính khiến các doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn. Điều này cản trở hoạt động doanh nghiệp, gây khó khăn, cản trở sự phát triển của nền kinh tế.
“Tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm chậm lại việc giải quyết công việc. Điều này làm khó khăn thêm cho nền kinh tế." Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng đề nghị các đại biểu Quốc hội giám sát luôn ở địa phương mình, để các địa phương nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Còn theo ông Phan Đức Hiếu, từ nay đến cuối năm 2023, Chính phủ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt cần sự quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ hơn.
Cùng với việc cải thiện môi trường kinh doanh, không nên ban hành thêm quy định nào làm gia tăng thêm chi phí hoặc rào cản cho sản xuất kinh doanh, nếu cần thiết ban hành quy định mới cần tính đến cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh kinh tế trong nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thì cải cách môi trường kinh doanh lại là cách thức tiết kiệm hơn về nguồn lực và chi phí hỗ trợ nhưng lại đến lại hiệu quả rất là tốt", đại biểu Hiếu nêu rõ.