Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch năm 2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, trước diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư…
Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01 đặt ra là 5,6%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn.
“Sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm… khả năng sẽ tác động đến thu ngân sách ngay trong quý II và cả năm, tạo áp lực lên điều hành chính sách tài khóa”, Phó thủ tướng nêu rõ.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái
Trong thời gian tới, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết bối cảnh thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.
“Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Các động lực chính của tăng trưởng đều giảm
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn.
Cùng với đó, các động lực chính của tăng trưởng đều giảm và đang trên đà suy yếu như: xuất khẩu 4 tháng giảm 13%, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm lần lượt là 17,9% và 1,2%, sản xuất công nghiệp giảm 1,8%.
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25% và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
"Nếu không được cải thiện thì dự báo số nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới và sẽ bào mòn đáng kể năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại.", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế quan ngại.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Thực trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.
Vẫn có tín hiệu tích cực
Bên lề hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, tỉnh Bắc Giang cũng trăn trở với tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và xuất nhập khẩu suy giảm, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và lao động mất việc tăng cao, trong khi tình hình vốn tại các thị trường bất động sản, chứng khoán chưa thực sự thoát khỏi khó khăn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Lâm, khi nhìn rộng ra vẫn có tín hiệu tích cực, đó là kinh tế vĩ mô giữ ổn định, lạm phát kiểm soát tốt. Đặc biệt, sự tích cực, chủ động quyết liệt của Chính phủ tìm ra nguyên nhân và quyết liệt trong triển khai các giải pháp.
Cụ thể, trong đầu tư công, nhiều năm liền có xu hướng khó khăn, nhưng ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ đã thành lập những đoàn kiểm tra nhằm tháo gỡ khó khăn cho giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với khó khăn trong thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, đặc biệt lãi suất ngân hàng tăng quá cao, Chính phủ đã có đã những chỉ đạo giải pháp tháo gỡ và thị trường đang đi vào ổn định, lãi suất từng bước được kiềm chế và có xu hướng giảm.
“Trong 6 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn mà nền kinh tế tiếp tục đã phục hồi và phát triển và sẽ đạt được mục tiêu đề ra”, ông Lâm kỳ vọng.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, tỉnh Đồng Tháp.
Còn theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, tỉnh Đồng Tháp, trong bối cảnh thế giới vẫn còn những xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao, ... đã tạo ra nhiều bất lợi, ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Song, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp biện pháp khắc phục những khó khăn rất quyết liệt, lãnh đạo các ngành các cấp cũng như từng địa phương đã lao vào những công việc hết sức cụ thể năng động, sáng tạo với công việc.
Theo đó, kinh tế trong tháng 4 và tháng 5 đã có những tín hiệu tích cực như vốn đầu tư nước ngoài FDI, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trở lại; trong khi số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động đã giảm dần.
“Trong những tháng cuối năm, kinh tế sẽ tăng vọt dù khả năng tăng trưởng GDP khó đạt được mục tiêu đề ra’, ông Hòa nêu rõ.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, tỉnh Bắc Giang.Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, đại biểu Hòa cho rằng, bằng mọi cách, Chính phủ cùng các bộ ngành phải đồng hành với doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện cơ bản nhất, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đó có vấn đề có giải ngân vốn ngân hàng, ưu đãi tín dụng, đặc biệt là ưu đãi về thuế.
“Mặc dù ngành thuế cũng rất khó khăn trong nguồn thu từ doanh nghiệp tư nhân, nhưng nếu doanh nghiệp không hoạt động thì cũng không có nguồn thu. Do đó, thà chúng ta miễn giảm thuế để doanh nghiệp hoạt động thì vẫn giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Đây là vấn đề tối ưu nhất.” ông Hòa nhấn mạnh.