Sóng cổ phiếu Ngân hàng vẫn xuất hiện ở trong những ngày cuối cùng của năm 2024. Tuần vừa qua, đã chứng kiến các cổ phiếu HDB, STB, CTG, LPB có hàng loạt những phiên lập kỷ lục giá đóng cửa.
Theo thống kê, STB đã tăng 10,5% trong tuần, còn LPB tăng 8,4% và CTG tăng 7,33%, HDB tăng 6,62%. Thành tích tuần này giúp cho 4 cổ phiếu này cũng đứng đầu về hiệu suất trong nhóm ngành.
Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, mức giá đóng cửa STB, HDB, CTG, LPB còn là mức cao nhất từng ghi nhận được trong lịch sử giao dịch.
Và sau các phiên phá đỉnh, hiện LPB đang là cổ phiếu có hiệu suất sinh lời cao nhất trong ngành, tăng gần 130%. Kế đến là các mã TCB (+59,5%), HDB (+53,6%), CTG (+43,2%), MBB (+37,3%), STB (+33,8%).
Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã cùng đưa ra dự báo LPB sẽ được thêm vào rổ VN30 thay thế cho POW trong kỳ cơ cấu chỉ số trong tháng 1/2025. Mới nhất, SSI Research đã ước tính 4 quỹ ETFs đang sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu có thể sẽ cần phải mua mới 15,2 triệu cổ phiếu LPB.
3 cổ phiếu còn lại cũng đều đang có những động lực riêng trong giai đoạn cuối năm 2024. Cụ thể, HDB vừa chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% vào ngày 11/12. Trong khi đó, một lãnh đạo Ngân hàng là ông Phạm Quốc Thanh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HDBank cũng vừa mua vào thành công 959.800 cổ phiếu HDB.
Tương tự, CTG đang rục rịch triển khai tăng vốn điều lệ thông qua giữ lại lợi nhuận. CTG đã được các cơ quan quản lý thông qua và dự kiến sẽ triển khai tăng vốn điều lệ lên hơn 74 nghìn tỷ đồng đầu năm 2025.
Với cổ phiếu STB, nhà đầu tư đang kỳ vọng lớn vào chặng cuối của quá trình tái cơ cấu. Để "về đích", STB cần giải quyết và xử lý khoản nợ xấu được bảo đảm bằng 32,5% vốn của nhóm ông Trầm Bê đang được VAMC nắm giữ. Hiện phương án đấu giá đã được trình lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ước tính mới nhất từ Sacombank, lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông giao.
Ngoài 4 cổ phiếu Ngân hàng kể trên, một số mã như MBB, ACB, VCB cũng chỉ còn cách đỉnh chưa đến 10%.
Theo đánh giá mới đây từ các chuyên gia của Chứng khoán VDSC, tín dụng cả năm 2024 có thể tăng khoảng 16% nếu giữ được xu hướng tăng tương tự tháng 12 của các năm trước.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ, tín dụng cũng sẽ cần hướng tới các mục tiêu trong năm 2025. Đáng chú ý, ngày 27/12 vừa qua, Thủ tướng ký đã Công điện yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung xây dựng ngay kịch bản phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương ở mức hai con số.
Với sự quyết liệt của người đứng đầu, Ngân hàng Nhà nước và cả hệ thống có thể sẽ cần hướng đến những mục tiêu tham vọng hơn trong năm 2025.