Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Xét riêng về nhóm ngành, có đến 35/45 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có tăng trưởng âm (chiếm đến 83,1% giá trị xuất khẩu). Về thị trường, xuất khẩu giảm hầu hết ở các thị trường chủ lực, thậm chí có những thị trường giảm rất sâu. Điều này đã ảnh hưởng đến việc tăng trưởng GDP trong quý.
Chuyện không riêng ở Việt Nam
Là doanh nghiệp khá "quen mặt" trên thị trường xuất khẩu, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, không riêng ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với tình trạng xuất khẩu bị giảm sút về đơn hàng. Nguyên nhân chính là lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao, người tiêu dùng chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, trong quý 1/2023, May 10 đã sụt giảm 10% về đơn hàng so với cùng kỳ năm ngoái.
“Quý 2 và quý 3 thường là cao điểm của các sản phẩm may mặc. Tuy vậy, đến thời điểm này, đơn hàng của quý 2 giảm 20 - 30%. Còn trong quý 3, các khách hàng đang chờ thông tin lượng tồn kho có giảm hay không mới tính đặt hàng tiếp theo”, ông Việt lo lắng.
Trong lĩnh vực gỗ, ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Hưng chia sẻ, dù đã tránh được tình trạng sụt giảm đơn hàng trong những tháng cuối năm 2022 nhưng bước sang năm 2023, doanh nghiệp cũng không thể duy trì lượng nhân công và thời gian làm việc, tăng ca của người lao động, bởi đơn hàng tại thị trường Mỹ giảm mạnh, khiến hoạt động chung của doanh nghiệp giảm theo.
"Thời gian sau Tết, doanh nghiệp đã thấy có dấu hiệu hủy hoặc lùi đơn hàng từ đối tác. Hiện đơn hàng giảm 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ Mỹ, thị trường chiếm khoảng 50% lượng đơn hàng của công ty".
Theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, (Tổng cục Thống kê), tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu xét theo nhóm ngành, có đến 35/45 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có tăng trưởng âm (chiếm đến 83,1% giá trị xuất khẩu). Trong đó, dệt may giảm 17,4%, điện tử, máy tính linh kiện giảm 10,9%, điện thoại và các loại linh kiện giảm 15%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,3%.
Về thị trường, số liệu thống kê cũng cho thấy, xuất khẩu giảm hầu hết ở các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, đặc biệt có những thị trường giảm rất sâu.
“Thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam rất đáng lo, do nhu cầu tiêu dùng thế giới sụt giảm dẫn tới doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sụt giảm đơn hàng”, ông Phong nhìn nhận.
“Xanh hóa” để tăng xuất khẩu
Về giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, ông Nguyễn Việt Phong cho rằng, thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và nỗ lực hoạt động xúc tiến thương mại trên thế giới.
“Cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường truyền thống như là các thị trường Bắc Âu, Đông Âu và Mỹ Latinh”, ông Phong nêu rõ.
Cùng với đó, các bộ ngành và địa phương cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, đặc biệt là các chính sách của các nền kinh tế lớn thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ (là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam), để từ đó đưa ra những cảnh báo cho doanh nghiệp Việt Nam phản ứng kịp thời.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trước đây bình quân một tháng, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD nhưng 2 tháng đầu năm nay mới đạt hơn 4,5 tỷ USD trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính đều giảm hoặc tăng không đáng kể.
"Không chỉ gặp khó khăn về số lượng đơn hàng, đơn giá cũng bị giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may chật vật duy trì sản xuất và khả năng tình hình này sẽ kéo dài sang hết quý 2", ông Cẩm quan ngại.
Mặc dù vậy, theo ông Việt, trên thực tế, những doanh nghiệp tập trung vấn đề tăng trưởng xanh thì không thiếu đơn hàng. Bởi, việc xanh hóa ngành dệt may không chỉ góp phần vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mà còn thực hiện yêu cầu cũng như quy định của các thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới.
Cụ thể như Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra chiến lược về dệt may; trong đó yêu cầu ngay từ khâu thiết kế phải đảm bảo là thiết kế sinh thái và quá trình sản xuất cũng như tiêu dùng phải đảm bảo là tiêu dùng bền vững.
Cùng với đó, sản xuất tiêu dùng nhanh sẽ được thay thế bằng sản xuất tiêu dùng bền vững. Sau khi tiêu dùng xong, sản phẩm có thể có khả năng tái chế lại và tái sử dụng để đảm bảo ít gây ô nhiễm môi trường.
“Các quy chuẩn này sẽ ngày càng cao; nếu doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu sẽ bất lợi khi xuất khẩu vào những thị trường này. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp phải tập trung triển khai nhanh nếu như muốn khai thác tốt những thị trường như Mỹ hay EU và các thị trường lớn khác”, ông Cẩm nêu rõ.
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, ngoài câu chuyện nhà máy xanh, một yếu tố nữa phải nói đến là nguyên liệu xanh. Hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân huỷ.
“Đây không chỉ là xu hướng của sản xuất trên thế giới mà chính là yêu cầu, áp lực của những khách hàng nhập khẩu”, ông Việt nhìn nhận.
Vì vậy, để đẩy nhanh quá trình xanh hóa, ông Việt cũng cho rằng, ngoài việc các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ thì sự hỗ trợ thiết thực từ nhà nước cũng rất quan trọng.
Có thể kể đến như các chương trình tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật; tăng cường tiếp cận vốn tín dụng cho dự án đầu tư xanh; phát triển nguồn nhân lực và tài trợ về mặt nghiên cứu đối với những dự án đầu tư xanh của doanh nghiệp.