Sáng 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì họp phiên thứ 6 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 5 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.
Gỡ khó giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu
Theo báo cáo của Bộ GTVT, sau cuộc họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo vào ngày 4/4, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp kiểm tra hiện trường các dự án, ban hành các văn bản, chỉ thị, công điện tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt về giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì họp phiên thứ 6 của Ban Chỉ đạoVề kết quả triển khai, 12 địa phương có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua bàn giao mặt bằng 624/721 km (87%), hoàn thành 38 khu tái định cư, đang xây dựng 106 khu. Các địa phương tổng hợp để trình HĐND tỉnh thông qua trong tháng 7 chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất các khu vực liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng, để các nhà thầu triển khai khai thác vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
14 địa phương có 3 dự án cao tốc Đông - Tây và 2 đường vành đai triển khai giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ khởi công, trong đó một số địa phương triển khai tốt như Hà Nội, Đồng Nai, Hậu Giang và TP.HCM đạt trên 85%.
Tỉnh Đồng Nai bàn giao 4.860/4.946 ha (98%) diện tích của dự án sân bay Long Thành. TP.HCM phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng. Đến nay khai thác 9 mỏ, xác nhận bản đăng ký kế hoạch khai thác được 26 mỏ (đang triển khai các thủ tục về đất đai). Trong đó, một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi xác nhận các thủ tục khai thác vật liệu xây dựng, để nhà thầu sớm khai thác.
Quyết liệt khởi công dự án đúng kế hoạch
Tính đến nay, 12/14 địa phương (TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ và các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) là cơ quan chủ quản 3 cao tốc trục Đông - Tây (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và 2 đường vành đai (Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM) tổ chức khởi công các dự án trước ngày 30/6 theo yêu cầu của Chính phủ.
Như vậy, tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay lên 1.332 km. Hiện cả nước đang triển khai thi công 1.693 km đường bộ cao tốc.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị huy động 219 mũi thi công cầu, hầm, 315 mũi thi công đường, 10.538 công nhân, kỹ sư, 4.724 máy móc, 310 tư vấn giám sát.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được tháo gỡ khó khăn, khởi công vào ngày 17 và 18/6, đáp ứng tiến độ yêu cầu của Chính phủ.
Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” đưa vào khai thác 4 dự án thành phần (cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với chiều dài 312 km trong quý 2/2023, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.729 km. Đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành 4 dự án cao tốc với tổng chiều dài 123 km, tăng tổng số đường cao tốc lên 1.852 km.
Ngoài ra, các tỉnh Bình Phước, Thái Bình và TP.HCM đang tổ chức lập chủ trương đầu tư các dự án đường bộ cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP) được giao làm cơ quan có thẩm quyền (với các dự án Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, TP.HCM - Mộc Bài).
Các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đường bộ cao tốc (cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hòa Bình - Mộc Châu) được giao làm cơ quan chủ quản - cơ quan có thẩm quyền, phấn đấu phê duyệt trong quý 3/2023.
Thủ tướng chỉ đạo thanh tra mỏ nguyên vật liệu
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh rà soát lại các vấn đề liên quan đến các mỏ nguyên vật liệu. Người đứng đầu Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo công việc này, đồng thời giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định, chỉ đạo liên quan tới các mỏ nguyên vật liệu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18 theo hướng UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được phép quyết định nâng công suất các mỏ cát cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác như áp dụng cho các mỏ cát đang khai thác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, các tỉnh này cũng được phép sử dụng các mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng (sau khi rà soát, bổ sung) phục vụ dự án đường cao tốc để cung cấp phục vụ thi công các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc. Yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ, bảo đảm chỉ sử dụng vật liệu cho việc thi công các khu tái định cư
Các tỉnh có nguồn vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các bước, trình tự, thủ tục khai thác vật liệu xây dựng. Thành lập tổ công tác thỏa thuận về giá chuyển nhượng, thuê đất.
Các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện song song thủ tục, chủ động hướng dẫn nhà thầu hoàn thiện thủ tục đất đai bảo đảm đủ điều kiện khai thác trong tháng 7. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương xử lý các vấn đề liên quan việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án.