"Để lạm phát qua một bên, nhưng tỷ giá USD/VND thì không", Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) đã đưa ra nhận định này vào tháng 6/2023.
Thực tế trong tháng vừa qua, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã ở “vùng đáy”. Lạm phát thấp do cầu yếu, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn dù tăng trưởng GDP có phục hồi đáng kể.
Trong khi đó, tỷ giá USD/VND được cảnh báo sẽ có biến động, bởi áp lực cả trong lẫn ngoài dồn lại và kéo dài. Nửa cuối tháng 6, tỷ giá USD/VND tăng khá mạnh, đặc biệt những ngày cuối tháng và gần đây. Hiện đã có dịu bớt.
Định kỳ hàng tháng VIRA đưa ra dự báo ở 4 chỉ tiêu: mức tăng CPI so với cùng kỳ năm trước, lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Hai kỳ dự báo gần đây, tháng 6 và 7, chỉ tiêu tỷ giá USD/VND được chú ý hơn cả.
Bởi với lạm phát, điểm rơi đã thể hiện rõ từ đầu năm, sức cầu tiêu dùng yếu; một số mặt hàng trọng điểm như giá điện vừa tăng nhưng xen thời gian vừa qua giá xăng dầu giảm… Còn lãi suất VND, loạt quyết định giảm các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã tạo tác động bình ổn, phối hợp cùng các công cụ điều tiết khác.
Dự báo tỷ giá USD/VND được chú ý, bởi có áp lực cả trong lẫn ngoài.
Trong nước, chênh lệch lãi suất VND với USD ngày càng bị thu hẹp theo hướng bất lợi cho VND; đặc biệt trên thị trường liên ngân hàng, chênh lệch này đã âm và kéo dài ở các kỳ hạn ngắn.
Bên ngoài, thị trường cũng dần phản ánh kỳ vọng về đường hướng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chỉ số USD Index khá ổn định quanh 102; và nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tới đây cũng không gây nhiều bất ngờ.
Đáng chú ý hơn cả, nếu giai đoạn trước đây đồng Nhân dân tệ nổi sóng vượt mốc 7.0 đã khiến thị trường toàn cầu xáo động thì nay, cả với thị trường Việt Nam, mức độ lên tới gần 7.3 trong quy đổi với đồng USD cũng trở nên khá “thờ ơ” về mặt thông tin và tâm lý thị trường. Tương tự là biến động của đồng Yên Nhật.
Trước những áp lực bên ngoài, chuyên gia của VIRA cho rằng đồng Nhân dân tệ sẽ khó vượt hẳn mốc 7.3, tương tự đồng Yên Nhật khó vượt mốc 145, do ngân hàng trung ương hai nước này đã và dự phòng có các can thiệp.
Cùng đó, theo nhận định của một số thành viên VIRA, đến từ khối nghiên cứu của các ngân hàng thương mại, cầu ngoại tệ trong nước hiện yếu, áp lực đối với tỷ giá USD/VND tới đây không quá lớn nữa. Dự báo chung của VIRA về tỷ giá giao ngay trên thị trường liên ngân hàng bình quân tháng 7 này là 23.732 VND, cao hơn nhiều so với mốc 23.400 VND mà Ngân hàng Nhà nước đang yết giá mua vào.
Về lãi suất, nếu so sánh theo mức bình quân của cả tháng, lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 7 này được VIRA dự báo sẽ giảm mạnh so với mức bình quân tháng 6 vừa qua, chỉ còn 1,52% so với 2,19%.
Các đợt giảm lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất OMO giảm mạnh, tín dụng tăng trưởng thấp… đã thúc đẩy thêm xu hướng giảm lãi suất trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, cũng như trên thị trường liên ngân hàng.
Vừa qua, lãi suất VND qua đêm cũng đã xuyên thủng mốc 0,5%/năm. Một phần biểu hiện “tiền rẻ” này đang có ở đầu tháng 7.
Trong khi đó, trên các kênh điều tiết, tuần đầu tiên của tháng 7 này đã đánh dấu sự cân bằng hoàn toàn sau thời gian dài. Ngân hàng Nhà nước không hút tiền về cũng không bơm tiền ra; số dư lưu hành trên kênh cầm cố và ở kênh phát hành tín phiếu đều đáo hạn hết, bằng 0.
Nhà điều hành sau thời gian dài duy trì lượng chào cung vốn 10.000 tỷ đồng/ngày thì gần đây đã giảm hẳn quy mô, và cũng không có thành viên nào tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ ngắn hạn này.
Cùng với chỉ tiêu tỷ giá và lãi suất, trong kỳ dự báo này các thành viên VIRA tiếp tục giữ nhận định lạm phát vẫn rất thấp, với mức tăng của CPI tháng 7 gần với vùng đáy của tháng liền trước, bình quân dự báo chỉ tăng 2,06%.
Và với lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm, VIRA tiếp tục dự báo có đà sụt giảm, xuống bình quân dự báo chỉ còn 2,7% trong tháng 7 này, giảm thêm so với thực tế bình quân 2,82% của tháng 6. Theo đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục thấp hơn nhiều so với Mỹ.
Tựu trung, “thời tiền rẻ” như nửa đầu năm 2022 đang phảng phất trở lại, dù bối cảnh và khó khăn của nền kinh tế đã có nhiều khác biệt.