"Khó có rủi ro hệ thống từ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cần giai đoạn tích lũy"
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam
Hiện tại xu hướng tăng sẽ còn tiếp tục tuy nhiên thị trường có thể phải có một giai đoạn tích luỹ trước khi có thể nối lại đà tăng.
Xu hướng tăng hiện đang được hỗ trợ nhiều yếu tố. Thứ nhất, sự cải thiện trong tình hình vĩ mô, nền kinh tế có xu hướng tạo đáy và tăng trưởng từ nửa đầu năm.
Thứ hai, SBV đang có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất điều này sẽ tạo ra dòng vốn với chi phí thấp chảy vào thị trường chứng khoán.
Thứ ba, Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp và chính sách nhằm hỗ trợ kinh tế như tăng đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Những điều này sẽ bắt đầu phát huy hiệu quả trong trung và dài hạn. Do đó, tôi đang nghiêng về kịch bản thị trường tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm hơn là kịch bản điều chỉnh.
Về rủi ro đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, lo ngại đã xuất hiện từ năm ngoái và ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung. Đỉnh điểm đáo hạn trái phiếu sẽ rơi vào quý 3 tức giai đoạn hiện tại.
Có thể một vài doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc đáo hạn trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, khó tạo thành rủi ro hệ thống. Đầu tiên, cần hiểu rằng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang gặp khó khăn trong quá trình huy động vốn để trả nợ trái phiếu.
Tuy nhiên, sự khó khăn này chỉ nằm ở một vài công ty cụ thể ở ngành Bất động sản, các ngành khác không chịu quá nhiều áp lực. Điển hình như ngành Ngân hàng hiện chiếm tỷ trọng đáo hạn trái phiếu cao nhất nhưng nhóm này có hoạt kinh doanh vẫn bình thường nên không tạo ra rủi ro với trái phiếu của ngành ngân hàng. Vì thế giá trị trái phiếu có rủi ro không trả được nợ sẽ giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường trái phiếu nên rủi ro đáo hạn trái phiếu có thể vẫn tồn tại nhưng sẽ không lớn và không dẫn đến ảnh hưởng dây chuyền.
"Xu hướng mới của thị trường vẫn chưa được xác định"
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT
Sau tuần phục hồi vừa qua, chỉ số VN-Index đang tiến sát tới vùng kháng cự 1.140-1.150 điểm. Thị trường có thể sẽ xuất hiện những phiên rung lắc khi hàng bắt đáy giá rẻ về tài khoản.
Do đó, nhà đầu tư nên “chậm lại quan sát” và “hạn chế mua đuổi” cổ phiếu ở vùng giá cao. Điều này là cần thiết khi mà thị trường đang bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 với nhiều gam màu xám.
Nhiều dự báo cho rằng thị trường có thể tiếp tục ghi nhận một quý tăng trưởng lợi nhuận kém tích cực trong bối cảnh GDP Việt Nam tăng trưởng thấp trong quý 2/2023, thị trường bất động sản đóng băng và mặt bằng lãi suất cho vay dù có giảm nhưng vẫn đang ở mức cao so với giai đoạn năm 2021 và nửa đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần thận trọng trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang có nhịp tăng khá mạnh gần đây, báo hiệu khả năng cao FED sẽ tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới diễn ra ngày 25-26/7.
Trước áp lực FED tăng lãi suất, tỷ giá VND đã có biến động khá mạnh trong 2 tuần gần đây, điều này có thể khiến Ngân hàng nhà nước Việt Nam phải lưu tâm đến và cân nhắc thận trọng hơn trong những bước đi nới lỏng chính sách sắp tới.
Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng yếu tố cơ hội/rủi ro chưa thực sự nghiêng về bên nào, vì vậy nhà đầu tư cần chậm lại quan sát, hạn chế mua đuổi ở vùng giá cao khi chỉ số VN-Index đang tiến sát tới vùng kháng cự 1.140-1.150 điểm.