Theo Bộ Công Thương, việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện; tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ và quản lý ngành.
Kết quả cho thấy, tổng chi phí sản xuất kinh doanh (SXKD) điện các năm 2021, 2022 đều tăng so với trước liền kề, cụ thể: tổng chi phí SXKD điện năm 2021 tăng 22.832,42 tỷ đồng so với năm 2020, năm 2022 tăng 74.233,50 tỷ đồng so với năm 2021, trong đó mức tăng chủ yếu là từ chi phí phát điện.
Trong khi đó, dù giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện các năm 2021, 2022 đều tăng so với năm trước liền kề (năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; năm 2022 là 2.032,2 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021), song giá thành lại thấp hơn giá thành SXKD điện của năm.
Do đó, kết quả hoạt động SXKD điện của EVN trong 2 năm 2021, 2022 đều lỗ: năm 2021 lỗ 975,31 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Tuy vậy, nhờ thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện là 10.058 tỷ đồng, năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do năm 2022, chi phí đầu vào sản xuất điện tăng khá cao như giá than tăng hơn 3 - 5 lần; giá dầu tăng 2 lần… Trong bối cảnh gặp khó khăn về tình hình tài chính, EVN cũng đã có đề xuất, trình Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền, Chính phủ nhằm điều chỉnh giá điện.
“Bản thân EVN cũng đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, thực hiện cắt giảm các khoản… tiết kiệm khoảng 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn tối ưu hệ thống vận hành. Sau những nỗ lực như vậy, EVN còn lỗ hơn 26.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của tập đoàn”, ông Nguyễn Xuân Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN
Liên quan đến việc tăng giá điện, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, sau 4 năm chưa được điều chỉnh giá điện, EVN đang gặp khó khăn về tài chính. Hiện EVN cũng đã đề xuất phương án tăng giá điện lên Bộ Công Thương.
Theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, sẽ căn cứ vào thông số đầu vào, nếu thay đổi làm giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì giá điện sẽ được điều chỉnh.
Cụ thể, giá đầu vào tăng 3-5%, EVN được tự điều chỉnh giá điện; tăng 5-10%, thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương; và tăng trên 10% do Thủ tướng quyết.
“Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án giá điện bán lẻ bình quân để trình Chính phủ xem xét theo tinh thần hài hòa lợi ích của EVN với đời sống người dân”, ông Hòa thông tin.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương
Trước đó, hồi tháng đầu tháng 2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân mới trong khoảng 1.826,22-2.444,09 đồng/kWh. Việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về mức tăng giá bán lẻ điện bình quân cụ thể trong năm nay.